ClockThứ Năm, 23/07/2020 14:36

Để Lập An phát triển bền vững

TTH - Theo điều chỉnh quy hoạch chung của Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025, phân khu du lịch đầm Lập An sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch chính của Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương.

Sắp xếp hợp lý nghề nuôi hàu trên đầm Lăng Cô

Đường rẽ sóng ở Lập An là điểm “check in” thu hút khách, nhưng vẫn còn sự xung đột giữa du lịch và việc khai thác, chế biến hàu

Những thách thức

Gần đây, nếu ai đi du lịch hay có dịp ngang qua Lập An (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc), chắc hẳn sẽ có cảm giác khá khó chịu bởi con đường phía Đông đầm (đường Nguyễn Văn) đang xây dựng. Dĩ nhiên, đang thi công nên đất đá ngổn ngang, làm cho khung cảnh lộn xộn, giảm hẳn nét đẹp “nên thơ” của đầm.

Thông tin từ UBND thị trấn Lăng Cô, tuyến đường Nguyễn Văn thi công chậm tiến độ theo kế hoạch bởi vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng ở một số điểm cục bộ. Theo kế hoạch, tuyến đường này đã có thể lưu thông và tạo thêm điểm nhấn bằng các điểm dừng chân ngắm cảnh, tăng sức hút cho Lập An nói riêng và Lăng Cô nói chung trong mùa du lịch hè năm nay. Nếu thuận lợi, cuối năm 2020 tuyến đường mới có thể hoàn thành.

Đó là thách thức ngắn hạn, còn vấn đề lớn hơn và khó khắc phục của Lập An hiện nay chính là tình trạng nuôi hàu làm phá vỡ quy hoạch, nhất là cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch một cách bền vững. Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc đến tháng 6/2020, trên đầm vẫn có hàng trăm hộ dân nuôi hàu, hầu hết người dân sử dụng lốp xe cũ, nên ước có đến hàng triệu lốp xe đang được sử dụng và hàng trăm ngàn cọc tre, gỗ, bê tông được đóng xuống đầm để nuôi hàu.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thẳng thắn, để việc nuôi hàu trên Lập An đi vào quy củ, đây là thách thức lớn. Hiện nay, huyện đã thông qua đề án quy hoạch, sắp xếp lại nuôi trồng thủy hải sản trên đầm Lập An, nhưng chưa triển khai bởi chưa bố trí được nguồn vốn.

Nếu ở Lập An trọn một ngày để quan sát hiện tượng tự nhiên thủy triều mới thấy Lập An đang bị “bức tử” như thế nào. Khi thủy triều lên, nhìn mặt đầm thoáng đẹp, nhưng khi thủy triều xuống, các cọc bê tông và cọc tre dần xuất hiện, nằm dày đặt trên mặt đầm. Rồi việc nuôi trồng thủy hải sản trên đầm cũng cho thấy nhiều bất cập, có sự xung đột lớn giữa nuôi trồng và bảo vệ môi trường. Chỉ xét riêng về yếu tố cảnh quan, những thực trạng trên đã là trở lực lớn của Lập An trong việc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn cho cả Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương trong tương lai nếu không sớm giải quyết.

Một thách thức nữa là việc xây dựng các công trình, nhà hàng phục vụ du lịch trên đầm cũng cho thấy một số bất cập. Đến hiện nay, chưa có một kết luận nào về những nhà hàng trên đầm xây dựng đúng và chưa đúng những hạng mục cho phép. Bởi vào cuối năm 2019, một số nhà hàng đã tự ý xây dựng thêm các công trình nằm ngoài các hạng mục cho phép. Đến tháng 7/2020, qua quan sát, một số công trình chưa tháo dỡ, khắc phục.

Khắc phục tồn tại

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1774/QĐ-TTg quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2019, Chính phủ tiếp tục có Quyết định 995/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025 để phù hợp với quy hoạch Khu du lịch Quốc gia.

Cả KKT Chân Mây - Lăng Cô chia làm 8 phân khu; trong đó, phân khu du lịch đầm Lập An (phân khu A, diện tích khoảng 70 ha) được xác định là trung tâm dịch vụ du lịch của Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương. Loại hình du lịch được ưu tiên phát triển là du lịch sinh thái, dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực trên cơ sở khai thác lợi thế mặt nước của đầm Lập An.

Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh đánh giá, hiện nay, khách đến Lập An chủ yếu là để “check in”. Do đó, ngoài những gì đang có, cần có các dịch vụ trải nghiệm gắn với hoạt động đời sống, đánh bắt thủy hải sản, nuôi trồng trên đầm. Cùng với đó là những dịch vụ nghỉ dưỡng ở các resort sát biển; tắm suối, kết hợp với khám phá cung đường đèo Hải Vân, tham quan Hải Vân Quan…

Quy hoạch 70ha để phát triển du lịch, dịch vụ, không có nghĩa là diện tích còn lại của Lập An không cần chỉnh trang, sắp xếp lại. Bởi để thu hút khách, Lập An phải là một thể thống nhất về môi trường, cảnh quan.

Định hướng đã có, thời gian để triển khai cũng được xác định. Quan trọng là sự vào cuộc để triển khai, thực hiện như thế nào. Trước mắt là khắc phục những tồn tại, mới có thể phát triển như định hướng.

Ông Trần Trọng Thông, Trưởng Văn phòng đại diện Ban quản lý các Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh tại KKT Chân Mây – Lăng Cô cho biết, đối với phát triển ở đầm Lập An như kế hoạch, cần có lộ trình cụ thể. Trước mắt, ban sẽ tập trung chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Văn. Trong năm 2021 sẽ phối hợp với UBND huyện Phú Lộc tập trung xử lý, khắc phục các công trình vi phạm trên đầm. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả đề án quy hoạch, sắp xếp lại nuôi trồng trên đầm Lập An.

Theo quy định, trên đầm Lập An, các công trình xây dựng cách chỉ giới 20m, mật độ xây dựng dưới 25% tổng diện tích. Các phần xây dựng trên đầm đều phải tuân thủ quy hoạch mặt nước đầm Lập An và khi xây dựng công trình nào cũng phải có thiết kế và có sự thông qua của Ban quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh. Do đó, khi kiểm tra, các công trình vi phạm cần phải xử lý, buộc tháo dỡ, tránh tình trạng “bê tông” hóa mặt đầm.

“Quan trọng ở Lập An thời gian đến là sắp xếp, quy hoạch và phân bố lại các vùng nuôi hợp lý, vừa có diện tích mặt nước để người dân phát triển kinh tế, vừa có những khoảng không gian phát triển du lịch, những khu vực để bảo tồn, giữ gìn môi trường cho Lập An”, ông Trần Trọng Thông thông tin.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top