ClockThứ Năm, 07/10/2021 07:00

Đề phòng sạt lở khi mưa lớn

TTH - Với 51 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) như hiện nay, nguy cơ sạt lở đất vùng núi, sông suối rất cao. Các địa phương ngoài chuẩn bị phương án di dời dân, còn triển khai nhiều giải pháp ứng phó sạt lở trong mùa mưa.

Ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão“Cấm biển” từ 14 giờ ngày 6/10Ứng phó mưa bão, sạt lở

Sạt lở bờ biển trong mùa mưa bão đang diễn ra nhiều địa phương ở Phú Vang, Phú Lộc

Nhiều điểm nguy cơ

Tỉnh lộ 71 dẫn từ xã Phong Xuân (Phong Điền) lên cụm công trình thủy điện trên sông Rào Trăng nhiều năm nay tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Với đặc điểm đồi núi dốc, nhiều ngầm tràn cắt ngang với các khe suối có dòng chảy lớn vào mùa mưa, nên nguy cơ sạt trượt, xảy ra lũ ống, lũ quét trên tuyến này rất lớn.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, ngoài điểm nguy cơ sụt lún trên địa bàn thì tuyến đường 71 vốn được xem là “trọng điểm” trong mùa mưa bão. Mặc dù dân cư thưa thớt nhưng đây là tuyến đường chính để người dân vào rừng sản xuất. Đầu mùa mưa bão, UBND xã đã bố trí cắm các biển cảnh báo tại những điểm nguy cơ sạt lở, đèo dốc như gần khu vực Ba Trục, khe Cát, nhằm cảnh báo người dân. Thời điểm mưa bão, xã bố trí lực lượng chốt chặn tại các vị trí ra vào cửa rừng nhằm ngăn chặn người dân vào rừng sản xuất.

“Trước mùa mưa bão năm nay, các điểm sạt lở cũ, các ngầm tràn trên tuyến đã được Sở GTVT gia cố, xử lý xong nên đến nay trên tuyến vẫn đảm bảo an toàn”, ông Lành nói.

Vùng sạt lở biển với các diễn biến khá phức tạp từ đầu mùa mưa bão đến nay như Phú Thuận (Phú Vang), chính quyền điạ phương cũng đã chuẩn bị các phương án di dời dân, vật tư, máy bơm nhằm gia cố các tuyến xung yếu qua bờ biển của xã và chống ngập cho khu dân cư.

Khu vực có cụm công trình thủy điện Rào Trăng luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, để ứng phó mưa bão, UBND xã tiến hành khảo sát trên địa bàn có khoảng 150 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu nằm trong vùng xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở biển, ven đầm phá. Trong đó, đặc biệt chú trọng ở các thôn Tân An, An Dương 1, 3 và khu vực Cồn Sơn; bố trí các điểm tạm di dời cho các hộ dân, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư cứu hộ cứu nạn và lương thực, thực phẩm.

Hiện nay, ngoài các đoạn đã được xây dựng, trên địa bàn Phú Thuận cũng xuất hiện nhiều điểm xâm thực, sạt lở biển ở những khu vực chưa được đầu tư xây dựng kè. Những điểm xung yếu trong điều kiện chưa được đầu tư, xã đề xuất huyện có giải pháp gia cố tạm thời dọc bờ biển nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Khi mưa lớn, thường có 6/6 thôn với khoảng 350 hộ bị ngập lụt nên người dân cũng đã bố trí 4 máy bơm công suất lớn để chống ngập.

Chủ động ứng phó

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 6 đến ngày 9/10, tại địa bàn tỉnh xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt 300-500mm, có nơi trên 700mm. Các địa phương đang triển khai các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn và ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 7, nguy cơ ngập úng cục bộ vùng trũng, khu đô thị, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ hồ đập triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở nhằm đảm bảo đảm an toàn. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ; bố trí biển báo, hướng dẫn an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn.

Chủ đầu tư đang thi công công trình xây dựng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn phương tiện, thiết bị, vật tư thi công và bố trí biển báo, hướng dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị đã có thông báo cảnh báo các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông bờ biển trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố, thiên tai. Trong đó, đặc biệt chú trọng các điểm sạt lở nguy cơ rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân (Phong Điền) đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1.

Các chủ đầu tư, chủ hồ đập phải thường xuyên kiểm tra khu vực lòng hồ, đập, đường ống, đường hầm và nhà máy thủy điện nhằm sớm phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ; thượng, hạ lưu công trình đầu mối.

Ngoài ra, kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình. Đề phòng hiện tượng sạt lở sườn đồi bờ sông phía hạ lưu đập dâng, đập tràn làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2.000 ha lúa bị ngập úng

Đợt mưa lớn chiều 23/5 đã làm gần 2.000 ha lúa hè thu mới gieo sạ trên địa bàn tỉnh bị ngập úng. Dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêu úng trong 2 - 3 ngày tới

2 000 ha lúa bị ngập úng
Thời tiết ngày 19/5: Mưa lớn nhiều khu vực trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/5, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm; riêng khu vực Đông Bắc Bắc Bộ ngày 19/5 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Thời tiết ngày 19 5 Mưa lớn nhiều khu vực trên cả nước
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

TIN MỚI

Return to top