Thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm nay mà còn có thể kéo dài sang các năm sau do COVID-19 kéo dài. Ảnh: TC Motor.
Chính sách này được đưa ra nhằm giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19; đồng thời kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022. Trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1/12 đến hết ngày 31/5/2022.
Như năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng 14.110 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng, từ đó tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa giảm 50% phí trước bạ), lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng nhưng vào 6 tháng cuối năm 2020, số lượng xe đăng ký gấp đôi.
Theo Dự thảo, Bộ Tài chính cũng chia sẻ thêm về những thách thức khi áp dụng chính sách ưu đãi. Áp lực đó là Việt Nam có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ kéo dài trong 6 tháng như biện pháp ngắn hạn gỡ khó cho ngành sản xuất trong nước trước tác động của COVID-19. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn của nhiều nước hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, một số nhà máy có công suất khá lớn như: Toyota, Mazda, Hyundai, Kia. Do đó, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới. Một số nước như: Indonesia, Malaysia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trước tác động của COVID-19.
Dịch bùng phát trở lại khiến ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số xe tiêu thụ giảm mạnh. Số xe đăng ký trước bạ lần đầu trong 6 tháng năm 2021 là hơn 160.000 xe, giảm 24% so với nửa cuối năm ngoái. Đến quý III/2021, số xe đăng ký trước bạ chỉ đạt bình quân gần 16.200 xe mỗi tháng, bằng hơn một nửa so với bình quân quý II. Trong tháng 8/2021, con số này chỉ còn hơn 8.800 xe.
Trước đó, đại diện 11 nhà nhập khẩu như: Audi, Volkswagen, Subaru, Volvo, Jeep, Porsche... đã có kiến nghị tới Chính phủ về quy định hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ. Theo kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) để đảm bảo tính công bằng. Đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô CKD, tất cả chỉ dừng lại ở mức đề xuất.
Theo giới kinh doanh xe, nếu việc giảm phí trước bạ đối với ô tô được thông qua dù cho xe lắp ráp trong nước hay nhập khẩu hoặc cả hai thì sẽ là tin rất vui đối với các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô trong lúc thị trường đang trầm lắng như hiện này. Trong khi đó, khoảng thời gian cuối năm thường là lúc nhiều người mua sắm xe nhất. Việc ưu đãi phí trước bạ sẽ kích cầu tiêu dùng rất lớn.
Theo Tin tức TTXVN