ClockThứ Tư, 04/10/2023 13:07

Điểm nhấn từ các nhà đầu tư ASEAN

TTH - Chuyển động thời gian qua cho thấy, Thừa Thiên Huế đang là “bến đỗ” của các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt môi trường đầu tư tại Thừa Thiên Huế đang tạo ra sức hút đáng chú ý từ các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN Nhu cầu năng lượng của Singapore thúc đẩy lưới điện tái tạo của ASEANCác bước tiếp theo của tiến trình hội nhập kinh tế kỹ thuật số của ASEAN

 Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô là dự án tạo ra nhiều điểm nhấn đến từ nhà đầu tư của Singapore. Ảnh: Laguna Lăng Cô cung cấp

Khỏi phải bàn đến tiềm năng khi, Thừa Thiên Huế đang sở hữu vị trí địa lý rất thuận lợi, nếu không muốn nói “đắc địa”. Điểm nhấn đó là hạ tầng giao thông đường bộ khi nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của quốc gia, kết nối với hệ thống cảng nước sâu Chân Mây, sân bay quốc tế Phú Bài; là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế, thương mại, du lịch (EWEC) Đông - Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào với Biển Đông.

Các chỉ số mà tỉnh đạt được trong những năm vừa qua minh chứng cho việc, tiềm năng đang dần được khai phá. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực; đạt và vượt kế hoạch 14/14 chỉ tiêu chủ yếu. GRDP bình quân đầu người đạt 2.429 USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,23 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, với tất cả các khoản, mục thu đều tăng.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư cho phát triển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án (DA), công trình “trăm triệu đô” được khởi công như: Trung tâm Thương mại Aeon Mall; DA hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Gilimex; DA đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; DA tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An…

Các chỉ số tỉnh đạt được trong năm 2022 như, chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 6 toàn quốc; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ 5 toàn quốc; chuyển đổi số (DTI) giữ vị trí thứ 2 toàn quốc; xếp thứ nhất toàn quốc về hoạt động chính quyền số cũng cho thấy nhiều nỗ lực nếu nhìn từ góc độ cải thiên môi trường đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (hàng dưới, thứ tư từ trái sang) tham dự lễ công bố các văn kiện ghi nhớ Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Singapore vào ngày 29/8. Ảnh: UBND tỉnh cung cấp 

Ở khía cạnh thu hút đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tạo ra điểm nhấn đặc biệt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI là 1.440 tỷ đồng, tương đương 62,6 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Trong dòng vốn FDI đầu tư hiện nay, việc nhiều nhà đầu tư đến khu vực Đông Nam Á (ASEAN) chọn tỉnh là điểm đến, trong đó. Singapore và Thái Lan hiện là hai nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN tại Thừa Thiên Huế cho thấy, sự kết nối và vươn tầm khu vực đang được thể hiện.

Thông tin từ UBND tỉnh, trên địa bàn đang có 11 DA của nhà đầu tư Thái Lan đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 161,5 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản; sản xuất điện năng lượng mặt trời; nhà máy chế biến gỗ dăm và vườn ươm cây lâm nghiệp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tỉnh dự kiến đẩy mạnh hợp tác về kết nối các điểm du lịch của mỗi bên thông qua quảng bá điểm đến, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) lữ hành phối hợp xây dựng các tour tuyến đến mỗi nước và xúc tiến mở đường bay thẳng nối các trung tâm của Thái Lan đến với Thừa Thiên Huế và đường bộ thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của hai bên về các lĩnh vực: công nghiệp, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu đô thị, đầu tư và khai thác cảng biển, công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực: dệt may, điện tử, ô tô... phát triển đô thị xanh, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững.

Đối với Singapore, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 nhà đầu tư đã được cấp phép hoạt động với tổng vốn đăng ký 2,1 tỷ USD, trong đó có 1 DA đã đi vào hoạt động kinh doanh là Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô (quy mô khoảng 280ha – tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD). Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư Singapore vào các lĩnh vực như hạ tầng KCN, KKT; hạ tầng cảng biển và phát triển dịch vụ Logistic tại cảng Chân Mây; các DA du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh. Ngoài ra, việc đẩy mạnh kết nối đường bay giữa Huế và Singapore để phát triển du lịch; hợp tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cũng được chú trọng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, ngoài đẩy mạnh, kêu gọi đầu tư nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có thế mạnh như: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch; hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á… tỉnh đã ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ DN sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân; hỗ trợ DN tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Với chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, thân thiện, điểm nhấn từ các nhà đầu tư ASEAN sẽ giúp tỉnh thu hút thêm nhiều DN nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững
Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

Theo dữ liệu vừa được công bố của Tập đoàn UOB, du lịch nội khối của các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, với sự phục hồi về lưu lượng hành khách nói chung trong khu vực. Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội đang diễn ra, nhu cầu du lịch của người dân châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng vẫn đầy hứa hẹn, trong đó du khách có xu hướng ưu tiên đặt các chuyến đi ngắn ngày hơn và tìm kiếm những chuyến du lịch nhanh ra nước ngoài với chi phí tốt nhất.

Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

TIN MỚI

Return to top