Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP. Mặc dù những số liệu thống kê này chưa được công bố chính thức nhưng đã có một số thông tin được tiết lộ như: có hơn 76.000 doanh nghiệp bị “bỏ sót” trong các cuộc tổng điều tra, đánh giá GDP giai đoạn 2011-2017 trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh-quốc phòng; GDP bình quân đầu người tăng tới hơn 600 USD…
Từ đó, nhiều câu hỏi đặt ra trong dư luận là: vì sao phải tiến hành đánh giá lại GDP hay tác động của vấn đề là gì đối với "sức khỏe" nền kinh tế?
Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong dư luận sau khi có những thông tin lan truyền trên hầu khắp các phương tiện truyền thông như: có hơn 76.000 doanh nghiệp bị “bỏ sót” trong các cuộc tổng điều tra trước, nay được “phát hiện”, bổ sung, khiến GDP giai đoạn 2011-2017 tăng thêm 25,4%/năm. Cụ thể, với tổng quy mô kinh tế theo giá thời điểm năm 2017 là 220 tỉ USD, sau khi được tính toán lại, GDP giai đoạn 2011-2017 đã tăng thêm 25,4%/năm, tương đương tăng 275 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt gần ngưỡng 3.000 USD thay vì mức 2.385 USD như kết quả được công bố năm 2017.
Bộ phận kinh tế chưa được quan sát hay kinh tế ngầm chưa được thông kê vào trong GDP của Việt Nam.
Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Việc đánh giá lại quy mô GDP là việc làm thường xuyên, theo thông lệ quốc tế. Hàng năm cơ quan Thống kê chỉ làm điều tra mẫu. Cứ 5 năm 1 lần có tổng điều tra nông thôn-nông nghiệp-thủy sản. Tổng điều tra nông thôn-nông nghiệp-thủy sản được tiến hành năm 2011 và 2016 còn tổng điều tra kinh tế được tiến hành năm 2012-2017 cho nên đến thời điểm năm 2018 chúng tôi hoàn toàn có đầy đủ thông tin từ các cuộc tổng điều tra để đánh giá lại quy mô GDP.
Thông lệ quốc tế cũng quy định các cơ quan thống kê của các nước trên thế giới cũng đánh giá lại quy mô GDP sau khi họ có đầy đủ thông tin. Lý do thứ 3 là những năm gần đây, bên cạnh các thông tin tổng điều tra nông thôn-nông nghiệp-thủy sản, tổng điều tra kinh tế, tổng cục thống kê cũng có được thông tin chia sẻ từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế. Đấy là những nguồn thông tin rất đầy đủ để Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP vào năm 2018.”
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Văn Điểm – nguyên Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Indonesia... đều thực hiện hình thức này.
Tới nay, cũng chưa có nền kinh tế nào đo lường được một cách đầy đủ tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Việc Tổng cục thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô nền kinh tế hay nói theo cách thông thường là điều tra-xác định lại quy mô GDP cũng nhằm khẳng định chuẩn xác hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Kết quả đánh giá lại quy mô GDP mới sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Đồng nghĩa với việc chỉ số GDP mới tác động - làm thay đổi nhiều mặt, khi cơ quan quản lý dựa vào đó, để nghiên cứu-ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tiễn - vừa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước; vừa xác định được tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với tăng trưởng kinh tế các nước trong khu vực và thế giới.
“Sự đảo lộn này là cần thiết để có được những con số xác thực để đề ra những chính sách phù hợp và đúng. Chính sách có đúng mới tổ chức thực hiện được còn nếu chúng ta cứ nghĩ 1 chiều rằng tính toán lại là thay đổi số liệu tính toán, là thay đổi phương pháp tính toán hoặc có ý kiến cho rằng đấy là xào số liệu tôi nghĩ rằng như thế là không đúng. Chúng ta phải thực sự khách quan, thực sự khoa học để thấy được bức tranh của kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt sắp tới chúng ta xác định chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025 thì những con số này là rất cần thiết. Cần thiết để chúng ta có cách nhìn: ta đang ở đâu, có đúng như thế không, để xác định được điều kiện để cải thiện. Quan trọng nhất là phải được chia sẻ dữ liệu lớn” - chuyên gia kinh tế Ngô Văn Điểm nói.
Đó cũng là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi Tổng sản phẩm trong nước - chỉ tiêu GDP - là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh kết quả sản xuất cuối cùng của các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế - phản ánh mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân; phản ánh quy mô, tiềm lực kinh tế của 1 quốc gia. Đây là cơ sở tính toán các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, năng suất lao động hay tỉ lệ nợ công và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.
“Trong đợt tổng điều tra vừa qua xuất hiện những thông tin mới nhất là danh sách của 76.000 doanh nghiệp có các doanh nghiệp của bộ quốc phòng và bộ công an. Rõ rằng đây là 1 lực lượng kinh tế lớn, chưa được đưa vào. Thứ nữa là trong quá trình chúng ta áp dụng các phương pháp đo lường GDP, chúng ta mới chỉ áp dụng phương pháp sản xuất theo quý, cùng lắm theo năm còn theo 5 năm lại theo phương pháp thu nhập. Thế thì theo thông lệ quốc tế thì áp dụng phương pháp sản xuất cho thời gian dài là điều cần thiết và đây cũng là 1 điểm mới.
Xuất phát từ những yêu cầu đó, việc đánh giá lại GDP là cần thiết và việc này xuất hiện 2 vấn đề mới là áp dụng phương pháp sản xuất cho toàn bộ quá trình đánh giá, 2 là đưa vào 1 phần nền kinh tế chưa được quan sát giúp GDP tăng trưởng trên dưới 25%, rõ ràng đây là 1 điểm mừng. Bản thân chúng tôi dù chưa công bố số liệu này nhưng GDP thực của Việt Nam còn cao hơn GDP đã được công bố bởi còn phải tính tới cả các bộ phận kinh tế chưa được quan sát hay kinh tế ngầm” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Dự kiến, 12/9 tới, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư chính thức công bố kết quả này – kết quả thực hiện Đề án đánh giá lại quy mô GDP sau khi đã trình Chính phủ xem xét.
Theo VOV