ClockChủ Nhật, 08/09/2019 10:03

Kinh tế toàn cầu trước mất mát 850 tỉ USD

Chủ tịch FED cho biết sẽ có hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ

Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ và toàn cầuFED: Căng thẳng thương mại có thể đe dọa tăng trưởng

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell (phải) tại một sự kiện ở TP Zurich - Thụy Sĩ hôm 6/9. Ảnh: REUTERS

Nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ tổn thất đến 850 tỉ USD vào đầu năm tới do sự thất thường liên quan đến chính sách thương mại, được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại leo thang của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc. Đó là kết quả một nghiên cứu mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Theo đó, FED cảnh báo tình trạng không chắc chắn đang giáng đòn mạnh đến hoạt động kinh tế ở Mỹ do doanh nghiệp cắt giảm hoạt động sản xuất và đầu tư. Nghiên cứu ước tính GDP của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung có thể chịu thiệt hại khoảng 1%, tương đương 200 tỉ USD đối với GDP Mỹ và 850 tỉ USD đối với kinh tế toàn cầu.

Nghiên cứu trên là một trong những công trình đầu tiên định lượng tác động của chính sách thương mại đang được ông Donald Trump theo đuổi. Lấy lý do các thỏa thuận thương mại hiện có đang đặt Mỹ vào thế bất lợi, nhà lãnh đạo Mỹ đã tăng thuế đối với hàng trăm tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi áp đặt hoặc dọa đánh thuế đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác trong nỗ lực có được các điều khoản thương mại tốt hơn. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng còn thường xuyên kêu gọi FED cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến.

Đáp lại, các nhà hoạch định chính sách của FED nhấn mạnh sẽ không để các vấn đề chính trị chi phối chính sách lãi suất. Cơ quan này cũng không ít lần nhận định thuế quan đang gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ. Dù vậy, Chủ tịch FED Jerome Powell hôm 6/9 tìm cách xoa dịu nỗi lo khi cho biết cơ quan này không dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Khi được hỏi liệu FED có cắt giảm lãi suất trong những tuần tới, ông Powell không trả lời chi tiết mà chỉ nói sẽ có hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Ông Powell đưa ra lời trấn an trên giữa lúc một báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy kinh tế nước này chỉ tạo thêm 130.000 việc làm trong tháng 8-2019, thấp hơn nhiều so với dự báo. Số liệu này được xem là một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể đang suy yếu.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 6/9 thông báo sẽ giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả ngân hàng thương mại, cho phép họ có thể tăng cường cho doanh nghiệp vay tiền. Bước đi này sẽ giúp có thêm 900 tỉ nhân dân tệ (khoảng 126 tỉ USD) được đưa vào hệ thống tài chính để thúc đẩy kinh tế. Chưa hết, theo báo The New York Times, các quan chức cấp cao Trung Quốc trong tuần này cho biết Bắc Kinh có kế hoạch nới lỏng những hạn chế liên quan đến việc chính quyền địa phương vay tiền đầu tư cơ sở hạ tầng.

Động thái nêu trên diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận Bắc Kinh đang đối mặt thêm sức ép trong những lĩnh vực như thương mại, tài chính và việc làm tại một cuộc họp của Quốc Vụ viện. Theo Reuters, các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ công bố thêm các biện pháp nới lỏng chính sách trước sức ép từ đòn thuế quan của Mỹ và nhu cầu uể oải trong nước. 

Thương chiến có thể kéo dài nhiều năm?

Trung Quốc đã đưa ra đề xuất mua một lượng nông sản Mỹ trong cuộc điện đàm với các quan chức thương mại Mỹ vài ngày trước đó. Dù vậy, theo trang Politico, đề nghị này còn tùy thuộc vào việc Mỹ có chịu nới lỏng hạn chế xuất khẩu nhằm vào Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei và trì hoãn tăng thuế nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc vào ngày 1/10 tới hay không. Kết quả cuối cùng chỉ có thể biết được khi hai bên tiến hành vòng đàm phán mới nhất, dự kiến diễn ra tại Washington trong những tuần tới.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 6/9 cảnh báo có thể phải mất nhiều năm để tìm được giải pháp cho cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, hiện đã kéo dài 14 tháng.

Theo NLD

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá hàng hóa tăng vọt sau khi Fed cắt giảm lãi suất

Sau khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thị trường hàng hóa toàn cầu đã chứng kiến sự tăng giá đáng kể. Động thái này không chỉ giảm áp lực lạm phát mà còn kích thích nhu cầu về nguyên liệu thô, đẩy giá cả từ kim loại quý, năng lượng đến nông sản lên cao.

Giá hàng hóa tăng vọt sau khi Fed cắt giảm lãi suất
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Return to top