ClockThứ Bảy, 10/02/2024 07:50

Đô thị Huế trước vận hội phát triển mới

Bài thơ đô thị HuếTập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đô thị HuếNhững “ký ức tập thể” của đô thị Huế

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Là vùng đất có truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa từ nhiều thế kỷ, Huế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật quan trọng của cả nước, đến nay đã được mở rộng gấp 4 lần, từ 70,67km2 lên 265,99km2, với 29 phường và 7 xã.

 Rừng trong phố. Ảnh: Lê Hoàng

Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 10/12/2019, về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, cho nên sắp tới, khi tỉnh Thừa Thiên Huế có thể mang tên gọi mới là thành phố Huế trực thuộc Trung ương, sẽ mở ra thêm cho chúng ta nhiều cơ hội mới với tầm nhìn mới, với tư duy mở, tư duy đột phá!

Về quy mô và tầm ảnh hưởng, với tổng diện tích tiếp tục mở rộng lên đến 4.947,11km2, thì phần diện tích phát triển mới sẽ lớn hơn nhiều lần so với diện tích các khu đô thị di sản và các khu vực di tích cần bảo tồn. Như vậy, TP. Huế mới sẽ cần tăng thêm dân số, thu hút thêm nguồn lao động nhập cư chất lượng cao để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thế hệ trẻ Thừa Thiên Huế một mặt cần biết trân quý giữ gìn di sản để lại của ông cha, mặt khác, cần biết đứng lên tiếp nối truyền thống khai phá, khai thác những vùng đất mới có nhiều tiềm năng nhưng còn đang ngủ yên, góp phần giúp cho Huế mới ngày càng giàu mạnh hơn.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Về mặt phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Huế vẫn còn nhiều cơ hội vàng, mà cho đến nay vẫn còn chưa được khai thác xứng tầm. Chẳng hạn như việc phát triển khu đô thị đảo Phú Hiệp - Phú Hậu - Phú Cát, là không gian xanh lịch sử bao bọc xung quanh bởi sông Hương và sông Đông Ba, với cơ hội phát triển mạng lưới giao thông thủy và bến thuyền vòng quanh đảo và kết nối khu trung tâm hiện hữu bờ nam sông Hương, với Kinh thành Huế bờ bắc sông Hương, dọc theo sông Đông Ba nối lên phố cổ Bao Vinh. Ngoài ra còn có thể phát triển tuyến xe đạp và xe điện dọc theo phố cổ Chi Lăng, rồi chạy dọc theo hai bờ sông Đông Ba xanh mát, ghé qua chùa Diệu Đế - Tàng Thư Lâu -  hồ Tịnh Tâm - Trường đại học Nghệ thuật, rồi vòng sang  phố cổ Bao Vinh. Nếu có kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển phù hợp, nơi đây có thể sẽ trở thành khu vực hấp dẫn khách du lịch không hề thua kém Phố cổ Hội An ở hai bên sông Thu Bồn.

Khai phá vùng đất mới

Về mặt vai trò và vị thế tương lai trong tương quan liên kết Vùng đô thị, Huế sẽ cùng với Đà Nẵng đóng vai trò vừa là đô thị trung tâm động lực, cực tăng trưởng của Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung, vừa là đô thị trung tâm của toàn Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Lúc đó, Huế không chỉ tự thân phát triển, mà còn phải tích cực tạo các động lực liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội cùng với các tỉnh thành trong vùng, giúp nâng cao tính cạnh tranh của Vùng đô thị trong nước và với nước ngoài.

Về khai phá vùng đất mới, Huế có nhiều cơ hội mới đang mở ra, từ vùng biển đến vùng đồi núi phía tây. Trong đó, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của Huế trong vài thập niên tới có thể sẽ tập trung ở khu vực kinh tế biển, đặc biệt là khu vực đô thị tuyến ven biển dọc theo tuyến Huế - Thuận An - Phú Bài - Cầu Hai - Chân Mây - Lăng Cô - Đà Nẵng. Một số khái niệm phát triển mới chưa có tiền lệ tại Huế, sẽ có thể hình thành tại đây trong tương lai gần, ví dụ: Khu Đô thị sân bay Phú Bài, Khu Đô thị cảng biển Chân Mây, Khu Đô thị du lịch sinh thái biển Lăng Cô, các Làng du lịch sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…

Huế có quỹ đất rộng để phát triển đô thị sân bay Phú Bài, trong khi quỹ đất và khả năng mở rộng của sân bay Đà Nẵng bị hạn chế bởi không gian đô thị, do đó khi tạo được kết nối giao thông công cộng tiện lợi nối hai sân bay này với nhau, thì hoàn toàn có thể hỗ trợ lẫn nhau khi một bên có trở ngại cất, hạ cánh trong thời tiết xấu.

Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành một khu vực kinh tế năng động quan trọng của quốc gia nhờ vào vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vì là nơi duy nhất có vị trí nằm giữa, dễ dàng tiếp cận hai sân bay cửa ngõ quốc gia và quốc tế là Phú Bài và Đà Nẵng, hai cảng biển nước sâu là Chân Mây và Liên Chiểu, kết nối tiện lợi với hệ thống đường cao tốc và đường sắt quốc gia.

Về đào tạo nguồn nhân lực có tri thức cao, Huế cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đô thị đại học, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Theo hướng đào tạo gắn với thực hành, chúng ta nên hợp tác tổ chức hệ thống đại học quốc gia đa ngành của các tỉnh Vùng Duyên hải miền Trung theo hướng liên kết và liên thông với nhau. Trong đó, Huế mạnh về đào tạo sư phạm, y nha dược, văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản…; Đà Nẵng mạnh về đào tạo kinh tế tài chính, xây dựng, quản trị kinh doanh…; Khánh Hòa mạnh về đào tạo hải dương học, sinh vật học, dịch tễ… Nhờ thế, sinh viên có thể có thêm nhiều chọn lựa phong phú về cơ hội học tập, thực nghiệm, gắn với thực tế thế mạnh của từng khu vực, và phát triển sự nghiệp, phục vụ cho quê hương.

Hài hòa giữa bản sắc đô thị truyền thống và hiện đại

Bản sắc của một đô thị Huế trực thuộc Trung ương cũng vì thế mà ngày càng phong phú, nhiều màu sắc hơn. Đối lập với không gian mang tính chất “tĩnh”, trầm lắng, nhẹ nhàng, khoan thai, của các không gian di sản và đô thị truyền thống của Huế xưa, mà chúng ta cần phải trân trọng giữ gìn và phát huy, thì chúng ta có thể sẽ tạo lập nên các không gian đô thị mới mang tính chất “động” nhiều hơn, hiện đại và tiện nghi hơn…, trong đó cư dân đi ngủ trễ hơn, thậm chí có những khu vực không ngủ 24 giờ, do nhu cầu phải hợp tác giao lưu hoặc trao đổi hợp đồng với người ở bên kia quả địa cầu.

Huế sẽ ngày càng giàu mạnh hơn, nhưng lại không hề mất đi bản sắc độc đáo vốn có của mình, mà chỉ có thêm các khu vực bản sắc mới, đem lại cho người dân nhiều chọn lựa hơn, để ai cũng có thể chọn được không gian sống và làm việc phù hợp với khả năng và mong muốn của mình: Giới trẻ có thể tìm về các khu vực kinh tế năng động hơn để tận sức cống hiến cho xã hội, trong khi người có gia đình sẽ tìm về các khu vực có trường học tốt nhất cho con cái và bệnh viện tốt nhất cho cha mẹ già, trong khi những người yêu thích cuộc sống gần gũi thiên nhiên, không bon chen với thế sự, cũng có thể chọn lựa không gian sống an lạc phù hợp cho mình.

(*) TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và là thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn
ĐÁNH GIÁ
4.5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
LN
Luong Thị Nguyen - 10/02/2024 22:10
Bài viết có tầm nhìn chiến lược khá sâu sắc mong rằng Huế đạt được như vậy trong tương lai. Chỉ thiếu có kêu gọi được các nhà đầu tư về Huế nhiều hơn để tạo việc làm cho người lao động ở nơi khác đổ về thì mới đông vui lên được.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Chi tiết CaraWorld Cam Ranh fun Khánh Hòa Imperia cổ loa Dự án Foresta Khang Điền
Return to top