ClockThứ Bảy, 15/02/2020 14:47
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản:

Doanh nghiệp nỗ lực kết nối thị trường mới

TTH.VN - Trước tác động của dịch virus Corona (Covid-19), cùng chung với thị trường của cả nước, đầu ra các mặt hàng nông lâm thủy sản tại Thừa Thiên Huế hiện đang gặp khó khăn.

Thị trường quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệpHướng đến phát triển nông nghiệp quy mô lớn, an toàn, bền vữngXuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 30 tỷ USD trong 9 thángKim ngạch xuất khẩu nhóm hàng lâm sản chính tăng trưởng ấn tượngXuất siêu 2,7 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp trong 4 tháng

Xuất khẩu khó khăn khiến giá gỗ keo, tràm nguyên liệu đang đi xuống

Mặc dù chưa có sự đánh giá đầy đủ tác động của dịch virus Corona đối với hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, nhưng rõ ràng việc xuất khẩu các sản phẩm sang Trung Quốc đang gặp khó khăn trong giai đoạn này bởi dịch bệnh trùng vào thời điểm nghỉ tết của người Trung Quốc, nên những đối tác có kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ, làm ảnh hưởng đến việc giao dịch mua bán hàng hóa của 2 bên. Bên cạnh việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng dệt may bị ảnh hưởng do một số cửa khẩu bị tạm dừng hoạt động  thì các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu theo các con đường khác nhau ít nhiều đều gặp khó.

Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế là một trong những đơn vị chế biến lâm sản có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, công ty này thu mua hơn 300.000 tấn gỗ keo, tràm để sản xuất, chế biến phục vụ cho thị trường, một nửa trong số đó để cung ứng cho thị trường xuất khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 20%, số còn lại được xuất sang Nhật Bản, Lào, Indonesia. Việc xuất khẩu chủ yếu thông qua đường biển.

Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch virus Corona, tình hình sản xuất của công ty này bị ảnh hưởng. Các đơn hàng từ Trung Quốc bị chậm so với dự kiến ban đầu.

Theo ông Huỳnh Thặng, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản là đầu mối xuất khẩu lớn của đơn vị này. Chính việc ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc khiến các đối tác Nhật Bản hạ giá thành sản phẩm và sức bán ra cũng giảm. “Để khỏi ứ đọng hàng do các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc đang chậm, gần đây chúng tôi đã chủ động xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. Mỗi đợt xuất khoảng 40.000 tấn được chuẩn bị trong vòng 2 tháng. Khi Trung Quốc chậm mua, phía Nhật Bản hạ giá sản phẩm thì những sản phẩm đang tồn đọng, phía đơn vị chúng tôi phải chịu lỗ”, ông Thặng nói.

Cũng như Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế, mặt hàng dăm gỗ keo của công ty TNHH Hào Hưng cũng chủ yếu phục vụ cho thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu sang Trung Quốc của đơn vị này đạt 12,3 triệu USD. Và hiện nay, tác động của dịch bệnh khiến các đơn hàng bị chậm.

Tôm là sản phẩm thủy sản duy nhất trên địa bàn tỉnh xuất khẩu theo đường chính ngạch

Tại Thừa Thiên Huế, trong các mặt hàng về nông, lâm, thủy sản thì các sản phẩm nông sản chưa “vượt đường biên”, xuất khẩu sang nước ngoài ngoại trừ sản phẩm hạt dẻ cười của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Việt Bảo Ký, song đây là sản phẩm được sản xuất theo mùa vụ, tạm thời chưa ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu. “Hàng năm, đến tháng 8 chúng tôi mới bắt đầu chế biến và xuất khẩu sản phẩm và Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ. Bây giờ, chúng tôi tiếp tục theo dõi các đối tác ở Trung Quốc, đồng thời liên hệ với những đối tác mới nhằm đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường”, đại diện Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Việt Bảo Ký thông tin.

Đối với sản phẩm thủy sản, chỉ mặt hàng tôm thẻ nguyên con hấp đông lạnh của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam – chi nhánh đông lạnh Huế xuất khẩu, và đạt 0,98 triệu USD sang thị trường Trung Quốc. Trong những nỗ lực cải thiện thị trường, ngoài Trung Quốc, công ty này đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Hiện nay, vẫn chưa có thông tin tình trạng các đối tác Trung Quốc từ chối đơn hàng của công ty, doanh nghiệp, song dịch virus Corona có tác động tiêu cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhằm tiến đến xuất khẩu bền vững.  Tiếp tục tổ chức, thông tin cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, hội nghị, diễn đàn, giao dịch thương mại... tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết và khai thác các thị trường mới; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh đến các cơ quan liên quan, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời; nhất là Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ Công Thương, Kế hoạch số 19/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng chống dịch cúm Corona; đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu”.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện Thừa Thiên Huế có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2019 doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 36,02 triệu USD/952 triệu USD, trong đó có 2 mặt hàng về nông sản, thủy sản. Nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2019 đạt 35,8 triệu USD với các mặt hàng như, nguyên liệu xơ sợi, dệt may; máy móc, linh kiện, các sản phẩm như, bu lông, đai ốc, keo sika, ống mềm cao áp…

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD

TIN MỚI

Return to top