ClockThứ Bảy, 13/10/2018 06:15
NHÂN NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13/10)

Doanh nghiệp trước thềm 4.0

TTH - Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 được kỳ vọng là động lực phát triển của doanh nghiệp (DN). Trong tiến trình hội nhập, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các DN, doanh nhân.

Đồng hành cùng doanh nghiệpĐại hội lần thứ nhất Hội Doanh nhân nữ tỉnh

UBND tỉnh khen thưởng các doanh nhân xuất sắc

Doanh nghiệp vào cuộc

Trước yêu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ, Công ty Scavi Huế chủ động đầu tư thêm máy móc, dây chuyền hiện đại, xây dựng các phương án nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác.

Ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Scavi Huế cho biết, đã đề nghị tập đoàn đầu tư 15 triệu USD để tân trang tất cả máy móc hiện có. Tập đoàn cũng đang đặt hàng đơn vị chuyên nghiên cứu thiết kế máy tự động trong may mặc. Thời điểm này, những máy móc cần thiết, chúng tôi sẽ đầu tư, những máy móc tự động sẽ chờ chế tạo và Scavi ưu tiên tập trung về tự động hóa. Trước mắt, việc nâng cấp trang thiết bị máy móc hiện đại sẽ được thực hiện ngay và dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.

Theo Tổng Giám đốc Scavi Huế, hiện ngành dệt may đang cạnh tranh số phút lắp ráp, do đó, nếu không đi trước đón đầu, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm thì rất khó trụ vững khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế CMCN 4.0.

Công nhân may tại nhà máy may Vinatex Hương Trà

Thời gian qua, Chi nhánh Công ty CP Sóng Việt tại Huế đã triển khai nhiều khóa huấn luyện kỹ năng bán hàng và kỹ năng phục vụ nhà hàng cho đội ngũ nhân viên. Giám đốc Công ty Sóng Việt tại Huế, bà Châu Thị Nhớ chia sẻ: Nằm trong nhóm ngành dịch vụ, vì vậy, chúng tôi tập trung đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của DN. Ngoài huấn luyện kỹ năng, hàng năm, công ty đều tổ chức dạy bổ sung thêm một ngoại ngữ mới cho nhân viên. Đến nay, ngoài tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật, sắp tới, công ty sẽ trang bị cho nhân viên thêm tiếng Hàn để tự tin giao tiếp với khách.  Không chỉ nhân viên học, đội ngũ quản lý chúng tôi cũng phải chủ động học để đáp ứng nhu cầu công việc. Vì vậy, ngoài những khóa học do công ty tổ chức, chúng tôi còn tham gia những khóa học ngắn hạn, các lớp tập huấn, đào tạo CEO do HHDN tỉnh tổ chức để nâng cao về kỹ năng quản lý DN...

Hiệp hội song hành

Đồng hành cùng DN trong tiếp cận CMCN 4.0, thời gian qua, HHDN tỉnh thường xuyên kết nối với VCCI – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, HHDN nhỏ và vừa Việt Nam, các sở, ngành liên quan mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho DN, trong đó, ưu tiên các lớp về quản trị DN. Song song đó, nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại mà HHDN làm cầu nối giữa DN và lãnh đạo tỉnh đã diễn ra. Nhiều vướng mắc của DN về thuế, tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính, về kinh doanh các ngành nghề có điều kiện và những khó khăn trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0... được phản ánh và tháo gỡ. Để góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của tỉnh, HHDN đã phối hợp với VCCI tổ chức 7 khóa đào tạo CEO-Giám đốc điều hành chuyên nghiệp, cung ứng cho tỉnh thêm 250 CEO được đào tạo bài bản nhằm có điều kiện triển khai thực hiện các mô hình quản trị DN hiện đại phù hợp với các ứng dụng của CMCN 4.0.

Cùng với HHDN, các sở, ngành của tỉnh cũng đã có những hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng DN nhằm nâng tầm công tác quản trị DN, như: hỗ trợ về đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn mác thương hiệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, thẻ giao dịch điện tử, đăng ký kinh doanh điện tử, dịch vụ điện tử, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm tối đa thời gian giao dịch cho DN...

Tuy nhiên, theo HHDN tỉnh, việc tiếp cận với cuộc CM 4.0 của các DN trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Do đó, HHDN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông qua các hội thảo để DN hiểu rõ hơn về CMCN 4.0, từ đó, nhận biết khả năng của mình, chủ động đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tự chủ trong sản xuất kinh doanh để tự khẳng định mình trong sân chơi mới. Chủ tịch HHDN tỉnh Dương Tuấn Anh thông tin: “Từ những hỗ trợ thiết thực này, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã được cộng đồng DN của tỉnh bắt tay thực hiện và là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của DN hiện nay".

Tám tháng đầu năm 2018, Thừa Thiên Huế có gần 500 DN đăng ký mới và thu hút 23 dự án (DA) với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó, có 17 DA trong nước với tổng mức đầu tư 3.169,28 tỷ đồng và 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.615 triệu USD. Cấp mới 50 DA trong nước với vốn đăng ký 5.671 tỷ đồng, 3 DA đầu tư nước ngoài, nâng tổng số DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên gần 7.000 DN. Các DN đã nộp ngân sách ước gần 2.800 tỷ (trong tổng thu ước đạt 4.800 tỷ đồng của tỉnh). DN cũng là lực lượng chủ lực đóng góp vào giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 600 triệu USD của tỉnh trong 8 tháng qua (tăng 14% so cùng kỳ).

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top