Nhiều kênh thông tin kết nối doanh nghiệp với chính quyền
Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Trường Fulbright) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) thực hiện giai đoạn 1 của dự án “Sáng kiến nâng cao năng lực tham gia của người dân” từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021. Dự án hướng đến nhận diện, khuyến khích và triển khai các sáng kiến của địa phương do người dân đề xuất. Giai đoạn 1 của dự án nhằm xây dựng cơ chế đánh giá công bằng giúp phát hiện các địa phương và sẵn sàng tiên phong trong đổi mới sáng tạo để UNDP hỗ trợ triển khai các chương trình thí điểm nâng cao năng lực tham gia của người dân và thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực công.
Trong khuôn khổ dự án, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành khảo sát thực tế tại 5 địa phương, đầu tiên là Thừa Thiên Huế. Nội dung khảo sát tại Hiệp hội DN tỉnh xoay quanh hiện trạng tương tác giữa chính quyền và cộng đồng DN tại địa phương.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thông tin, Hiệp hội có hơn 650 DN hội viên hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh và 8 đơn vị trực thuộc (Câu lạc bộ doanh nghiệp FDI, CLB CEO Huế, Hội Doanh nhân nữ, Hội DN may thêu thời trang, Trung tâm Truyền thông hỗ trợ DN…). Những năm qua, Hiệp hội DN tỉnh thường xuyên đặt nhiệm vụ tập hợp “tiếng nói” của DN để góp ý, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành về các chính sách hỗ trợ DN cũng như phát triển kinh tế-xã hội địa phương là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động khảo sát lấy ý kiến DN, tổ chức cho DN tham gia các hội nghị đối thoại chuyên đề với sở ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thuế, về điều kiện kinh doanh, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Hiệp hội còn trực tiếp tổ chức khảo sát ý kiến DN để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, địa phương (chỉ số DDCI); vận động hội viên tham gia khảo sát PCI của VCCI.
Các cấp chính quyền thời gian qua tương tác rất tốt với cộng đồng DN. UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi để các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh và đồng hành trước những khó khăn của DN.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, kênh tương tác giữa chính quyền và cộng đồng DN tại địa phương rất đa dạng từ kênh tuyên truyền, xử lý vấn đề của địa phương giữa chính quyền và DN. Thông qua các công cụ cổng thông tin điện tử của tỉnh, các bộ chỉ số DDCI, PCI; các kênh tương tác của sở, ban, ngành; các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến DN về các vấn đề về chính sách, pháp luật.
“Hiệp hội DN tỉnh sẽ tích cực tăng cường các hoạt động để thực hiện vai trò cầu nối giữa DN với tỉnh và các ngành liên quan, góp phần cùng với tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho DN trong phát triển SXKD”, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định.
Tin, ảnh: Doãn Quan