ClockThứ Tư, 01/01/2025 15:38

Giữ gìn văn hóa Huế

TTH - Văn hóa Huế tuy chỉ là một đường vân, một mảng màu, một góc riêng trong bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sống động, lộng lẫy, bao la và đằm sâu. Tự biết sức mình nên tôi chỉ chọn những gì cụ thể, mắt thấy tai nghe về văn hóa Huế, những nét riêng có và dĩ nhiên Đẹp của người Huế viết ra đây để chúng ta có thể tự hào.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

 Thiếu nữ Huế Ảnh: Đình Thắng

Trước hết là áo dài phụ nữ Huế. Chủ đề này đã được nhắc đến, bàn tán ngoài xã hội và bàn luận sâu với nhiều hội thảo chuyên đề, cũng như từng được ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao say mê ca tụng, đề cao và vận động nhiều người mặc áo dài, không kể nam hay nữ. Trên thực tế, việc những nữ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh mặc áo dài vào đầu tuần hoặc làm việc ở những vị trí trang trọng gần như trở thành nền nếp quen thuộc ở Huế, khiến Huế lung linh, lộng lẫy hơn nhiều trong mắt người dân đến công sở hoặc du khách phương xa. Thành thật nói rằng, dáng hình con gái Huế, phụ nữ Huế diện áo dài thì thật tuyệt đẹp! Nó tôn vẻ đẹp vốn trang nhã, dịu dàng, kín đáo của người con gái Huế đến độ quyến rũ êm đềm. Vì thế mà đã có lúc có hiện tượng nữ vận động viên mặc áo dài chạy marathon, lạm dụng hay không cũng miễn bàn. Càng không cần bàn đến nguồn gốc của nó vì Huế đã tổ chức một buổi lễ trang trọng, tôn kính tưởng nhớ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị Chúa Nguyễn được coi là đã khai sinh ra chiếc áo dài. Vậy còn gì để nói? Còn và còn nhiều…

Ai từng đọc ca dao dân gian Việt Nam chắc đều nhớ và phá lên cười hoặc cười tủm tỉm vì cái sự chế giễu hết sức tinh quái của tác giả dân gian khi đọc hết bài ca dao “chống lệnh vua Minh Mạng” của người dân miền Bắc khi vua ra chỉ dụ “cấm phụ nữ mặc váy, chỉ được mặc quần”. Bài ca như sau:

Tháng Tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải lột quần chồng sao đang

Có quần ra đứng bán hàng

Không quần ra đứng đầu làng trông quan!

Bây giờ thì Hà Nội mặc váy đầy. Đã có bài viết “Em ơi! Hà Nội… váy” kia mà. Còn ở Huế mình thì sao? Cũng đầy những cô gái, phụ nữ trung niên mặc váy ngồi xe máy chạy vù vù. Vì vậy, vẫn chưa đến lúc mặc áo dài đại trà như phụ nữ Huế ngày xưa, từ người ngồi bán hàng vỉa hè cho đến chị bán bánh rong, từ trong lễ hội xuân thu nhị kỳ ở làng hay trước bàn thờ ngày lễ gia tiên, tại đám cưới hay nơi nào cần có phụ nữ thì có phụ nữ mặc áo dài, trước hết để che những chỗ cần che, không cho những đôi mắt tò mò ngó liếc. Đó là cái đẹp của HẠNH trong Tứ Đức của người con gái Huế: KÍN ĐÁO, dẫu cho nhiều nhà thơ, nhạc sĩ từ thời xưa đến nay vẫn còn thổn thức. Cố thi sĩ Nguyễn Văn Phương từng có bài thơ “Bảy màu mưa Huế” với hai câu theo tôi là “tuyệt bút”: “Anh đưa em về, cơn mưa đầu hạ/Ai đã tô lên những mảng mưa hồng!”. Áo dài Huế từ ngày xưa đến nay và mai sau chắc chắn không phai mờ trong ký ức, tâm thức và mỹ cảm của người Huế, người yêu Huế!

Điều đáng suy nghĩ là làm sao để tà áo dài La Mour ngày trước của họa sĩ Kiết Tường (?) thiết kế và sau đó nhiều nhà thiết kế khác đã hoàn thiện, biến ÁO DÀI HUẾ trở thành một tuyệt phẩm trang phục, một thương hiệu thời trang vừa phổ biến khắp thế giới. Các tiệm may áo dài ở Huế cũng không nên vì lợi nhuận trước mắt của riêng mình rồi may dối, may chậm trả sản phẩm đúng hợp đồng, nâng giá lên cao... khiến những người yêu Huế cũng buồn.

Tôi từng nghe câu cảm thán từ một cô gái có chồng sinh con so, khi con lên một tuổi, làm lễ thôi nôi (đầy năm) thì bà mẹ cũng lỡ phát phì chưa thu gọn được vòng 2, bèn thở than: “Chao ơi! Biết khi mô mặc lại được áo dài”! Lời than ấy báo hiệu sẽ đến lúc nào đó mai sau, gần thôi… cả thành Huế lung linh duyên dáng những tà áo dài không chỉ có màu tím mà với muôn màu sắc tươi đẹp, tha thướt, dịu dàng, kín đáo khoe mình trong một ngày trời thu nắng vàng như mật ngọt hay mùa xuân hoa nắng chen nhau!

Và còn gì để suy nghĩ? Còn, còn rất nhiều.

Tiếp theo là GIỌNG HUẾ. Không hề tình cờ khi trong lịch sử ngành tuyên giáo và tư tưởng - văn hóa của Đảng lại từng có hai người là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban, cả hai đều là nhà thơ nổi tiếng, là người Huế. Nếu ai đã từng may mắn nghe bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nói chuyện thì sẽ hiểu vì sao giọng nói của con gái Huế - phụ nữ Huế khiến nhiều chàng trai đắm say: Dịu dàng, nhỏ nhẹ, trầm, ấm, nhưng rất rõ ràng từng chữ, từng câu. Càng không lạ khi trong một phái đoàn ngoại giao của Việt Nam lại có một nàng Tôn Nữ: Tôn Nữ Thị Ninh. Ai đã từng nghe nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói chuyện tâm tình cũng thế. Giọng Huế do đàn ông con trai nói không có sắc thái uy dũng, hùng mạnh, đầy hào khí, có lực hướng ngoại như nhiều miền khác. Bù lại, cái sắc thái nhỏ nhẹ, dịu dàng trầm ấm và rõ ràng từng câu từng chữ luôn thấm sâu trong lòng người nghe, có lực hướng nội gây cho họ ấn tượng khắc vào ký ức. Tiếc rằng bây giờ giọng Huế đặc trưng đó đã nhạt phai nhiều!

Làm sao khôi phục lại nét riêng có của “giọng Huế ngày xưa?”

Có lẽ phải bắt đầu từ các cô giáo mầm non, cô giữ trẻ, bà mẹ trẻ là người Huế gốc, biết trân quý giọng Huế của tổ tiên mình chứ không lai tạp “pha pha” giọng nói vùng miền khác. Đây là một lựa chọn rất cục bộ địa phương. Nhưng phải vậy mới bảo tồn và phát triển hai đường vân, hai mảng màu, hai góc riêng mang đậm bản sắc của Huế trong bức tranh đa sắc, hài hòa của VĂN HÓA VIỆT NAM.

Còn gì để suy nghĩ? Còn, còn rất nhiều. Ngày xuân bàn thế cũng hơi dài. Để dịp khác, người khác trí sáng, lòng trong, bút sắc hơn… bàn tiếp và mở rộng.

PHẠM XUÂN PHỤNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

Những ngày giao mùa sang thu, các bạn sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào đã có dịp đặt chân đến Huế. Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa tại mảnh đất Cố đô cùng những người bạn Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

TIN MỚI

Return to top