PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. DDCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (xin tạm gọi chung là cấp huyện). PCI đã làm 15 năm, còn DDCI mới làm mấy năm nay thôi. Mục đích cốt yếu là đo đếm sự hài lòng của những nhà đầu tư và kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) đối với việc phục vụ của bộ máy Nhà nước. Nói một cách khái quát là đánh giá môi trường kinh doanh như thế nào. Chính vì thế cho nên DCCI như là một tấm gương phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh. Nếu chỉ số này cao thì môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện và ngược lại.
Ngày 19/1, UBND tỉnh đã công bố chỉ số DDCI năm 2020. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị dẫn đầu nhóm các sở, ban, ngành; UBND thị xã Hương Trà dẫn đầu nhóm các địa phương.
Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng đến 10 bậc và xếp thứ 20/63 tỉnh thành của cả nước, với số điểm 66,5 điểm. Năm nay, chỉ số PCI chưa được công bố. Nhưng nếu xét những kết quả về mặt phát triển kinh tế như: thu hút đầu tư, số vốn đầu tư và đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, tổng đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách… thì chúng ta có thể thấy môi trường đầu tư và kinh doanh của Thừa Thiên Huế tiếp tục được cải thiện. Chuyện Thừa Thiên Huế có giữ được thứ bậc PCI hay không lại là chuyện khác, vì phải đối chiếu trong tổng thể cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh của các tỉnh nữa. Ví như môi trường đầu tư của chúng ta tiếp tục được cải thiện, nhưng trong top 20 tỉnh thành có PCI hơn Thừa Thiên Huế (2019) và có một số tỉnh khác có sự cải thiện mạnh mẽ thì thứ hạng của chúng ta đã khác. Dựa vào các yếu tố kinh tế như nêu trên, người viết bài này tin rằng chỉ số PCI của tỉnh năm 2020 sẽ tiếp tục được cải thiện.
Cứ giả sử như PCI của Thừa Thiên Huế vẫn giữ được thứ bậc thì liệu chỉ số PCI và DDCI có gì mâu thuẫn? Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu sở, ban ngành năm 2020 với số điểm là 65,33; thị xã Hương Trà dẫn đầu nhóm các địa phương với chỉ số 63,10 điểm. Tức là phần lớn các cơ quan ban ngành và địa phương sẽ có số điểm thấp hơn con số này. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế đứng thứ bậc 20 về chỉ số CPI (2019) đã có số điểm 66,5 điểm.
Theo người viết bài này hiểu, ở một mức độ nào đó hai chỉ số PCI và DDCI có tỷ lệ thuận với nhau – các cơ quan, ban, ngành, địa phương có làm việc tốt hơn lên trong việc tạo môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp thì mới tạo ra chỉ số năng lực cạnh tranh tốt hơn của tỉnh.
Tất nhiên, có thể đối tượng được điều tra của hai chỉ số nêu trên khác nhau nên có thể đưa tới những kết quả khác nhau. Và những phân tích trong bài viết này cũng chỉ đặt ra là giả sử và nhận định (môi trường kinh doanh của tỉnh năm 2020 giữ vững hoặc tốt hơn năm 2019, theo những yếu tố về mặt kinh tế như trên đã nêu). Nhưng nếu khi chỉ số PCI của Thừa Thiên Huế được công bố đúng như nhận định thì liệu chỉ số PCI và DDCI có gì mâu thuẫn?
Năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu khối sở ban ngành và Phong Điền dẫn đầu khối huyện đều với số điểm cao hơn trung bình của PCI tỉnh.
Nguyên Lê