ClockThứ Ba, 28/12/2021 07:00

Đổi mới cách thức đánh giá DDCI

TTH - Với việc xác định khảo sát DDCI là kênh thông tin đáng tin cậy, rộng rãi và minh bạch để doanh nghiệp (DN) tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương, Thừa Thiên Huế triển khai khảo sát đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) năm 2021.

Không chỉ là thước đo năng lực cạnh tranh

 Hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá DDCI

DN tham gia khảo sát mang tính đại diện

2018 là năm đầu tiên Thừa Thiên Huế tiến hành khảo sát DDCI. Từ đó đến nay, việc khảo sát DDCI được tiến hành hàng năm. Trải qua 4 năm triển khai, nhiều vấn đề tồn đọng và góp ý của cộng đồng DN các năm trước đã được chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn quan tâm giải quyết. Vì thế, việc tiếp cận và trao đổi thông tin từ DN gặp nhiều thuận lợi, hoạt động hỗ trợ phát triển DN cũng được thúc đẩy.

Với mục tiêu tiếp tục nâng hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 nằm trong “nhóm tốt” hoặc trong top đầu của “nhóm khá”, vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021. Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) tỉnh là đơn vị triển khai khảo sát lấy ý kiến đánh giá của DN với tổng số phiếu phát khảo sát là 2.630 phiếu và đối tượng tham gia thực hiện khảo sát là các nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang nghiên cứu, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện NCPT tỉnh thông tin, hình thức lấy mẫu khảo sát sẽ được trải đều ở các loại hình, quy mô DN, cơ cấu ngành nghề theo các tiêu chí ưu tiên như năm thành lập, quy mô, loại hình sở hữu và ngành nghề SXKD. Việc chọn DN để đưa vào mẫu khảo sát được tiến hành dựa trên ba nhóm thông tin đầu vào từ dữ liệu các DN đã từng làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; của các sở, ban, ngành và địa phương cung cấp và kế thừa một số dữ liệu DN từ khảo sát DDCI 2020. Đối tượng tham gia đánh giá cũng được xác định tuân thủ theo những quy tắc đảm bảo tính ngẫu nhiên và mang tính đại diện, không lựa chọn theo định hướng chủ quan của các bên liên quan vì thế sẽ đảm bảo được tính khách quan và minh bạch trong quá trình đánh giá.

Tận dụng công nghệ thông tin

Trên cơ sở thông tin DN, từ ngày 1/8 đến ngày 15/10/2021, Viện NCPT tỉnh tiến hành lấy mẫu khảo sát. Các DN sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của 32 cơ quan, đơn vị và thay vì 33 đơn vị như năm trước. Trong năm 2021, số phiếu khảo sát cũng được mở rộng mẫu bằng cách gia tăng số lượng phiếu trên mỗi đơn vị với mức phiếu thấp nhất là 65 phiếu/đơn vị và cao nhất 100 phiếu/đơn vị thay vì chỉ 50 phiếu/đơn vị như trước đây.

Nội dung khảo sát cũng tập trung thúc đẩy vào các chỉ tiêu DN mong muốn sở, ban, ngành, địa phương cải thiện như tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của sở, ban, ngành và địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu. Mỗi nhóm chỉ số thành phần sẽ đạt 10 điểm, riêng nhóm tính năng động của sở, ban, ngành và địa phương; chi phí thời gian được cộng thêm 1,5 điểm và nhóm vai trò người đứng đầu được cộng thêm 2 điểm nhằm đáp ứng nhiều hơn mong muốn của DN.

Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh hình thức khảo sát cũng được đa dạng từ khảo sát trực tuyến (online), phỏng vấn trực tiếp và khảo sát bằng hình thức gửi phiếu khảo sát qua đường bưu điện. Phiếu khảo sát được mã hóa để đảm bảo tính bí mật thông tin của DN khi tham gia khảo sát DDCI. Các ý kiến góp ý của DN với các đơn vị được đánh giá cũng được khảo sát và mã hóa thông tin nhằm giúp các sở ngành, địa phương cải thiện những vấn đề đang còn tồn đọng tạo động lực trong cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN.

Theo ông Cường, 2021 là năm thứ tư Thừa Thiên Huế thực hiện khảo sát DDCI, do đó, thông tin cũng như ý nghĩa, vai trò của cuộc khảo sát được đông đảo DN quan tâm. Chính điều này đã thúc đẩy DN tích cực hơn trong việc tham gia đánh giá và bày tỏ cảm nhận, chia sẻ về các đơn vị được khảo sát. Thêm vào đó, sau khảo sát DDCI 2020, nhiều vấn đề tồn đọng và góp ý của cộng đồng DN đã được chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn quan tâm, giải quyết. Từ đó, việc tiếp cận và trao đổi thông tin từ các DN gặp nhiều thuận lợi hơn.

Dù gặp khó khăn trong tiếp cận DN trong điều kiện dịch bệnh, song nhờ chủ động ứng dụng các phương thức công nghệ linh hoạt để ghi nhận thông tin nên tiến độ khảo sát vẫn đạt thời gian mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, các phương thức này còn góp phần giữ được kết nối liên tục giữa nhóm thực hiện khảo sát và DN tham gia khảo sát. Dự kiến trong tháng 1/2022, tỉnh sẽ công bố kết quả khảo sát DDCI, ông Cung Trọng Cường chia sẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc, A Lưới:
Kỳ họp thứ 9 của HĐND huyện quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng

Sáng 17/12, huyện Phú Lộc khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KT-XH năm 2025; đồng thời, xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND huyện.

Kỳ họp thứ 9 của HĐND huyện quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng
Thúc đẩy phát triển và khả năng phục hồi toàn cầu

Báo cáo thường niên năm 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố đã tóm tắt một năm hành động quyết liệt nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển của thế giới. Báo cáo nêu bật những bước tiến đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, hành động vì khí hậu, giáo dục và quan hệ đối tác toàn cầu.

Thúc đẩy phát triển và khả năng phục hồi toàn cầu
Return to top