ClockThứ Tư, 02/03/2022 07:39

Đội tàu Lộc Trì vượt khó, vươn xa

TTH - Để chuẩn bị cho vụ đánh bắt trên biển dài ngày, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, ngư dân khai thác hải sản xa bờ ở làng chài Đông Hải, xã Lộc Trì (Phú Lộc) giúp nhau tu sửa lại tàu thuyền, bổ sung thêm ngư lưới cụ và các phương tiện khai thác sẵn sàng vươn khơi, bám biển.

Tay trắng làm nên mô hình trang trạiĐội ngũ xứng tầm cho mục tiêu dạy tốt, học tốtPhú Lộc phát triển cánh đồng mẫu lúa, sản phẩm nông nghiệp sạch

Ngư dân ở Lộc Trì chuẩn bị tàu thuyền, ngư cụ sẵn sàng vươn khơi, bám biển

Ngoài 50 tuổi, nhưng anh Văn Toan, thôn Đông Hải, xã Lộc Trì (Phú Lộc) đã có thâm niên đánh bắt xa bờ (ĐBXB) gần 30 năm, hiện anh đang sở hữu 3 con tàu có công suất 800CV. Cùng với những bạn thuyền, tàu anh Toan vươn ra các ngư trường lớn như Trường Sa và Hoàng Sa để khai thác hải sản kết hợp với làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm qua, mặc dù sản lượng khai thác không sụt giảm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Giá các loại hải sản giảm mạnh đã gây thiệt hại cho nhiều ngư dân như anh Toan trong hoạt động đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Năm 2021, do tình hình dịch bệnh nên các DN thu mua thủy, hải sản đều đóng cửa, sản lượng đánh bắt của bà con vào bờ không bán được, gây thua lỗ. Nhiều tàu nằm bờ không ra khơi trong suốt cả năm. Vì bị thua lỗ, bà con không có kinh phí tu sửa thiết bị, ngư cụ, chi phí nhân công, dự trữ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để bám biển dài ngày...

Không riêng anh Toan, hầu hết các chủ tàu ĐBXB ở Đông Hải đều gặp khó khăn tương tự. Đối với những bạn chài làm việc cho các tàu thì càng khó khăn hơn. Trước đây, bình quân một thuyền viên làm việc trên tàu có mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng, nhưng năm qua mức lương chỉ còn từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Vinh, ở thôn Đông Hải, có 2 tàu công suất lớn trên 800CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển chia sẻ: Để khắc phục khó khăn, chúng tôi đã hỗ trợ nhau trong việc tu sửa tàu thuyền chuẩn bị cho mùa đánh bắt năm nay theo hình thức hoán đổi ngày công, các thuyền viên tàu này sang hỗ trợ cho tàu kia tu sửa máy móc, thiết bị, ngư cụ... và ngược lại. Chúng tôi phối hợp ưu tiên nguồn dự trữ cho các tàu đánh bắt, khai thác để bám biển dài ngày. Đồng thời, bố trí một số tàu dịch vụ hậu cần thu mua vận chuyển hải sản vào bờ tiêu thụ, sau đó quay ra cung cấp nguồn nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các tàu đánh bắt để tiếp tục vươn khơi.

Ngoài công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho các chủ tàu cá và ngư dân, chính quyền địa phương tích cực vận động lắp đặt, nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa tích hợp định vị vệ tinh cho tàu xa bờ, nhằm xác định được vị trí tàu đánh bắt để có cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho ngư dân. Đồng thời, tuyên truyền bà con không vi phạm đánh bắt ở các vùng biển thuộc phạm vi nước ngoài, không sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác để vừa tăng sản lượng đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ ngư trường.

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Trì - Cái Trọng Như, địa phương quan tâm tuyên truyền phát huy hiệu quả vai trò tổ chức chi hội nghề cá của xã trong việc vận động ngư dân giúp nhau, vượt khó vươn khơi bám biển. Phấn đấu hằng tháng mỗi tàu dịch vụ hậu cần ra khơi, vào bờ khoảng 10 - 12 chuyến, vận chuyển xăng dầu, thực phẩm, nước đá, lưới cụ cung ứng cho các tàu đánh bắt cá dài ngày ở biển. Mỗi tàu dịch vụ hậu cần này lại thu mua hải sản chuyển vào cung ứng cho các đại lý. Xã cũng đã tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm thông qua các kênh hội đoàn thể ở địa phương để giải quyết khó khăn trước mắt.

Lộc Trì là địa phương có đội tàu lớn thứ 2 toàn tỉnh. Hiện toàn xã có 72 tàu ĐBXB có công suất từ 800CV trở lên, trong đó có 40 tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần, số còn lại tham gia khai thác hải sản xa bờ tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Đội tàu này thu hút hơn 500 lao động làm việc trên tàu.

Với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi phát triển kinh tế, các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy, hải sản đã có nhiều động thái để tái sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sơ để bà con ngư dân vững tin trước mùa biển năm mới. Bà con ngư dân ở đây đã biết phát huy nội lực, đầu tư mua sắm những chiếc máy tầm ngư, định vị, máy bộ đàm, những giàn lưới hiện đại, đóng góp cổ phần để cùng nhau bám biển dài ngày hơn. Nhờ đó, đội tàu biển xã Lộc Trì luôn có ngư trường đánh bắt thuận lợi, khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, góp phần vào phát triển kinh tế biển bền vững ở Phú Lộc.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức già vượt khó

Bằng tinh thần vươn lên, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và được vay vốn chính sách để sản xuất, vợ chồng ông Đặng Hòa, bà Huỳnh Thị Lợi ở thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân là một trong những tấm gương đóng góp hiệu quả, chung tay cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Sức già vượt khó
Gần 100 học sinh vượt khó ở huyện Phú Lộc được trao học bổng

Ngày 11/10, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc tổ chức trao tặng học bổng đợt 2 cho các em học sinh vượt khó trên địa bàn huyện, do tổ chức Zhi Shan Foundation tài trợ.

Gần 100 học sinh vượt khó ở huyện Phú Lộc được trao học bổng
Cùng người có công vượt khó, thoát nghèo

Bên cạnh những nghĩa cử, hoạt động tri ân mà các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện với những gia đình người có công (NCC) nói chung, thì với những hộ nghèo có thành viên là NCC hay những NCC có hoàn cảnh đặc biệt lại càng được quan tâm nhiều hơn.

Cùng người có công vượt khó, thoát nghèo
Return to top