|
Dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Huế có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9/2024. Ảnh: Huyền Diệu |
Câu chuyện “dọn tổ cho đại bàng” khiến tôi nhớ tới sự xuất hiện của Công ty Bia Huế. Không lâu sau ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế, Nhà máy bia Huế được thành lập vào năm 1993. Không đi theo con đường mà các doanh nghiệp sản xuất bia khác đã chọn, Ban lãnh đạo nhà máy ngày đêm trăn trở và đặt ra quyết tâm làm sao phải vừa duy trì được thương hiệu truyền thống của riêng mình, không lệ thuộc vào các doanh nghiệp khác nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Vậy là chỉ sau 1 năm, Nhà máy Bia Huế đã liên doanh với Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch), một thương hiệu bia nổi tiếng và có bề dày truyền thống lâu đời trên thế giới để chính thức ra đời Công ty TNHH Bia Huế (Huda).
Cho đến thời điểm hiện tại, Carlsberg vẫn là một “đại bàng” tầm cỡ của thế giới khi luôn có sự sáng tạo đột phá, kinh doanh mạnh mẽ, bền vững và có tầm nhìn chiến lược trong thế giới kinh doanh. Với hơn 30 năm ra đời và phát triển, không còn nghi ngờ, Công ty Bia Huế đã và đang là điểm sáng và biểu tượng kinh tế và cả văn hóa rất thành công của vùng đất Cố đô. Có thời điểm, doanh nghiệp này đã đóng góp hơn một phần ba nguồn thu ngân sách địa phương. Đáng tiếc là, cho dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng “lót ổ” nhưng những năm qua Thừa Thiên Huế vẫn chưa thu hút được một đại bàng nào khác tầm cỡ và hiệu quả như Carlsberg - Huda Huế.
Gần đây, tôi kết bạn và nhiều dịp hàn huyên với một vị lãnh đạo tỉnh đã về hưu mà tôi kính trọng. Ở cái tuổi đã cập kề 80, tôi ngạc nhiên khi thấy ông vẫn rất tâm huyết và sôi nổi khi bàn đến chuyện làm ăn và phát triển kinh tế của địa phương. Trong khi chuyện trò, tôi thường chỉ là kẻ lắng nghe, còn ông là người chia sẻ, trong đó có cả được - mất và cả những khát vọng - gửi gắm. Một trong những băn khoăn lớn của ông là trong nhiều thời điểm, lãnh đạo tỉnh đã tạo ra được một số cơ hội khi tiếp cận được đại bàng là một số nhà đầu tư có tiềm năng lớn nhưng tiếc thay, khi có cơ hội đều chưa nhận được sự đồng thuận của các cấp có thẩm quyền. Làm sao tìm được chim đại bàng về FDI cho Thừa Thiên Huế là nỗi băn khoăn và khó khăn cần được tháo gỡ.
Khi các đại bàng (nhà đầu tư lớn) lựa chọn một quốc gia hay địa phương nào đó làm điểm đến, có nghĩa họ đã xem đây là địa chỉ tin cậy. Để có được sự tin cậy đó, yếu tố quan trọng nhất là phải xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh, cùng với nhiều điều kiện thuận lợi được pháp luật xác lập và bảo vệ. Bên cạnh đó là những nỗ lực nhiều hơn để thực sự là miền “đất lành”. Đó là hoàn thiện hệ thống pháp lý đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, hạn chế tối đa rủi ro. Môi trường đầu tư “sạch” còn có nghĩa là không tham nhũng, tiêu cực, không gây khó cho doanh nghiệp để vòi vĩnh. Và “đất lành” còn có một yếu tố quan trọng khác, đó là đào tạo và chuẩn bị được một nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Từng bước thực hiện mục tiêu, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, đô thị thông minh và phòng chống thiên tai. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Thiết nghĩ, thành phố Huế tương lai, bao gồm toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ mang đến một vị thế mới cho vùng đất. Và không còn nghi ngờ, đó là sẽ là miền “đất lành” để những cánh chim đại bàng bay về làm tổ.