Hệ thống cây xanh TP. Huế dù đẹp song chưa đồng bộ
Lổ đổ
Điển hình là đường Hồ Đắc Di dù đầu tư không lâu, song hệ thống cây xanh trên toàn tuyến chưa được đẹp mắt. Đa số đều do người dân tự trồng, cây cao, thấp, to, nhỏ không đồng đều, mỗi bên đường mỗi loại cây khác nhau. Từ đường An Dương Vương rẽ vào, phía bên tay phải đa phần là cây sao đen, trong khi đó, bên tay trái gần như toàn bộ là cây trứng cá. Theo thống kê sơ bộ, toàn tuyến có khoảng 100 cây trứng cá, trong đó có cây khá sum suê, tán, cành đổ ra đường. Đến mùa quả chín rụng xuống đường dập nát, khó quét dọn, thu hút ruồi nhặng. Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, đây là loại cây không khuyến khích trồng ở đường phố đô thị vì những mặt trái của nó, gồm: lá rụng nhiều, cành tán nhỏ, dễ gãy, không cho nhiều bóng mát, quả rụng gây ô nhiễm…
Một số đường lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ… dù đặc trưng như Lê Lợi là hai hàng cây long não lâu năm hay ở Nguyễn Huệ là phượng vàng, thì một số đoạn vẫn có các cây khác không cùng chủng loại hoặc kích thước không đều nhau.
Gắn tên, số cho cây
Ngoài các yếu tố thời tiết, lịch sử để lại…, một trong những nguyên nhân dẫn đến chưa đồng bộ hóa cây xanh đường phố còn do quá trình đô thị hóa, hạ tầng kỹ thuật nhiều tuyến đường chưa đồng bộ… và một bộ phận người dân chưa ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, như sự việc các dãy cây, cỏ ở dải phân cách đường Lê Duẩn bị tưới acid sunfuric dẫn đến cây chết hay một số cây ở đường Lê Lợi, điểm xanh Trần Cao Vân bị rải muối ăn, đổ xà bần, đốt vàng mã ở gốc cây, chặt cành, cây tùy tiện, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây. Theo một chuyên gia về lĩnh vực cây xanh, do thiếu quy hoạch chi tiết nên việc trồng, thay thế cây còn tùy tiện.
Quan trọng là trồng và chăm sóc tốt
Thực hiện cam kết chung khi xây dựng thành phố xanh quốc gia với mục tiêu đến năm 2020 đạt khoảng 12m2 xanh/người. Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang thực hiện đồ án quy hoạch cây xanh TP. Huế, nhằm đồng bộ hóa hệ thống cây xanh trên địa bàn và tạo mỹ quan, nét đặc trưng riêng cho hệ thống cây xanh đường phố. Theo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, từ quy hoạch này, việc trồng mới, thay thế cây xanh… sẽ thuận tiện hơn, các cơ quan liên quan khi thực hiện dự án sẽ đỡ vất vả, tốn ít thời gian trong việc chọn lựa chủng loại cây, kích cỡ…
Đồ án đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, Ngoài 289 tuyến đường đã có tên, cây xanh và 67 tuyến đường chưa có cây xanh trên địa bàn, các khu quy hoạch cũng được đưa vào thực hiện nhằm đồng bộ hóa cây xanh đường phố. Ưu tiên của đồ án là chọn các loại cây bản địa, cho hoa đẹp, mùi thơm dễ chịu, lá xanh quanh năm, ít rụng lá, lá tiết ra tinh dầu có mùi thơm, hạn chế sâu bệnh…
Thuận lợi là đồ án có sự tham gia, tư vấn của Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, một người khá am tường hệ thống cây xanh trên địa bàn TP. Huế. Quan điểm của ông Đỗ Xuân Cẩm được thống nhất là tạo sự đồng bộ nhưng ở một số tuyến đường nếu quá dài có thể tạo điểm xuyến ở những ngã tư, ngã năm bằng những chủng loại cây khác, cho tán rộng để người dân được hưởng bóng râm khi chờ đèn đỏ. Với những đường ngắn hoặc trong một tuyến đường nhưng được phân từng đoạn nhất thiết phải trồng đồng bộ một loại cây để tạo sự nhất quán, nét đẹp riêng cho hệ thống cây xanh TP. Huế. Ông Đỗ Xuân Cẩm cũng nhấn mạnh, việc quy hoạch là cần thiết, song việc trồng và chăm sóc không kém phần quan trọng trong việc tạo hệ thống cây xanh đồng đều, đẹp mắt.
Tinh thần của lãnh đạo TP. Huế là trên cơ sở kế thừa các loại cây xanh đã có, sẽ chọn lọc hoàn thiện các loại cây không phù hợp để trồng cây mới đẹp, tốt hơn và không ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Tuyệt đối không đốn hạ đồng loạt để trồng cây khác hoặc di dời cây lâu năm đang phát triển tốt, ảnh hưởng đến môi trường độ thị, sinh hoạt của người dân…
Bài, ảnh: TÂM HUỆ