Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị
633 doanh nghiệp thành lập mới
Mở đầu buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đại Vui, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông tin đến hội nghị về công tác hỗ trợ doanh nghiệp; tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Đại Vui, tính đến 11/10/2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 99% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện đồng loạt các giải pháp. Cụ thể, về công tác cải cách hành chính, đến nay, 100% thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình “Một cửa điện tử hiện đại”; Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S đã có gần 403.422 tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Tạo điều kiện cho DN thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Khi thành lập, doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn thiện miễn phí hồ sơ, hỗ trợ chữ ký số, hoá đơn điện tử, hỗ trợ chi phí thuê kế toán trong những năm đầu hoạt động. Đi vào hoạt động, doanh nghiệp được hỗ trợ văn phòng làm việc, chi phí thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các Khu, cụm công nghiệp, chi phí hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ đầu tư, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp,...
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức đào tạo cho gần 800 doanh nhân tham gia các khóa đào tạo giám đốc diều hành thực chiến (CEO), quản trị và vận hành doanh nghiệp tinh gọn hiệu quả; hỗ trợ đưa sản phầm của doanh nghiệp địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử và mới đây là ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến Cảng Chân Mây nhằm góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu tại hội nghị
Những tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành nhằm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.
Từ những hỗ trợ trên, 9 tháng đầu năm 2022, có 633 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.498,8 tỷ đồng; tăng 38,8% về lượng và tăng 59,6% về vốn so với cùng kỳ.
Giải đáp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và đại diện các sở, ban, ngành ưu tiên nhiều thời gian lắng nghe, giải đáp những kiến nghị, đề xuất về khó khăn vướng mắc của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Giải đáp kiến nghị của ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về tổ chức định kỳ diễn đàn gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và công đồng doanh nghiệp nhằm thảo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua đã có chương trình cà phê doanh nhân nhưng chưa hiệu quả như mong đợi, Hiệp hội Doanh nghiệp có thể thành lập căng tin doanh nghiệp. Ở đó, sẽ là nơi để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các DN giao lưu, trao đổi, giải đáp vướng mắc vào những thời gian thích hợp.
Trả lời, giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp
Với kiến nghị của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xăng dầu về giảm tình trạng tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thời gian tập trung sản xuất kinh doanh, chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương cho biết, đây là vấn đề được tỉnh rất quan tâm và đã thực hiện. Chẳng hạn, đối với những DN đã nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra của trung ương thì tỉnh sẽ không tổ chức thanh tra, kiểm tra lại, tương tự các cấp, ban ngành cũng vậy.
Tuy nhiên, do các ngành có sự đan xen lẫn nhau nên dễ xảy ra tình trạng chồng chéo. “Qua đây, tôi đề nghị các sở, ban, ngành phải hết sức thận trọng, lưu ý khi tổ chức thanh, kiểm tra các đơn vị DN, chỉ thực hiện thanh, kiểm tra theo quy định, tuyệt đối không lạm dụng thanh, kiểm tra khi không cần thiết”, ông Phương nhấn mạnh.
Đối với ý kiến đề xuất tạo địa điểm, không gian trưng bày các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm các làng nghề của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, sẽ lưu ý ghi nhận để sắp xếp, bố trí trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Hải Thuận