ClockChủ Nhật, 28/08/2022 14:35

Doanh nghiệp dệt may đối mặt thách thức những tháng cuối năm

Giới phân tích nhận định những tháng cuối năm ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên, triển vọng ngành dệt may dự báo sẽ tươi sáng hơn từ năm 2023, nhờ EVFTA và lạm phát có thể hạ nhiệt.

“Xanh hóa” ngành dệt mayNgành dệt may lấy lại đà tăng trưởng, doanh thu quý 1 tăng hơn 44%Công đoàn Dệt may Việt Nam phát động Tháng Công nhân

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù từ đầu năm đến hết tháng Bảy vừa qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may khá thuận lợi và đạt mức tăng trưởng 2 chữ số, nhưng giới phân tích nhận định những tháng cuối năm ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, triển vọng ngành dệt may dự báo sẽ tươi sáng hơn từ năm 2023, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và lạm phát có thể hạ nhiệt.

Khó khăn cuối năm

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may 7 tháng năm 2022 khá thuận lợi. Theo đó, đơn hàng của các doanh nghiệp dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định sau khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine thần tốc và chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2022 ước đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 7 tháng ước đạt 15,48 tỷ USD tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất siêu đạt 11,07 tỷ USD, tăng 31% so với 7 tháng của năm trước đó.

Mặc dù đạt kết quả tích cực trong 7 tháng đầu năm, nhưng giới phân tích vẫn dự báo toàn ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn trong những tháng cuối năm.

Chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ.

Thực tế, sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách, nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ tăng mạnh. Người dân Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơmi.

Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng năm 2022 tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 66,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng Sáu vừa qua, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng nhu cầu các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơmi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.

Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát.

Các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM), Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK), Công ty Cổ phần Damsan (mã chứng khoán: ADS) có đủ đơn đặt hàng cho quý 3/2022 nhưng lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.

Cùng đó, giới phân tích cho rằng, rủi ro tỷ giá gây áp lực lên đà tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đến EU trong nửa cuối năm 2022.

Đồng EUR giảm xuống dưới mức 1,02 USD vào ngày 7/7/2022, thấp nhất trong 20 năm qua. Đồng tiền chung của khu vực EU đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của EU, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, lợi nhuận ròng các công ty may mặc như Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG), Công ty Cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) sẽ giảm 5-10% so với quý 2/2022 do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Triển vọng sẽ tươi sáng hơn trong 2023

Hiện các doanh nghiệp dệt may đang mở rộng năng lực sản xuất tại thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ phục hồi trong quý quý 2/2023. Các doanh nghiệp dệt may đã xây dựng và mở rộng nhà máy lên 15-30% công suất hiện tại.

Do vậy trong năm 2023, có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, Công ty Cổ phần May Sông Hồng và Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (mã chứng khoán: HSM) khi các nhà máy mới hoàn thành và đi vào hoạt động ở mức 80-85% công suất. Trong đó, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ và Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 khi dự án Unitex hoàn thành và chạy thương mại vào quý 4/2022 trong khi nhà máy SH10 dự kiến chạy với 80% công suất vào năm 2023.

Triển vọng của ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong quý 1/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Theo đó, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2-4% thuế xuất khẩu vào năm 2023. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023.

Lạm phát thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang trong năm 2023. Do đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu comple, áo sơmi, quần và váy sang châu Âu như Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Tổng Công ty May 10 - CTCP (mã chứng khoán: M10), Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (mã chứng khoán: VGG), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG sẽ được hưởng lợi từ EVFTA.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý châu Âu đã tuyên chiến với “thời trang nhanh.” Đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, phần lớn được làm từ sợi polyester tái chế, không chứa các chất độc hại và tuân thủ nhân quyền.

Theo Textile Exchange, thị trường sợi tái chế sẽ đạt giá trị 5,9 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 45% nhu cầu sợi toàn cầu. Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ sẽ hưởng lợi từ xu thế này nhờ có sản lượng sợi tái chế lớn.

Dù nhận định doanh nghiệp có nhiều thuận lợi tăng trưởng vào năm 2023, nhưng các chuyên gia vẫn chỉ ra khó khăn lớn của ngành đó là chi phí vận chuyển container tăng cao do giá dầu leo thang.

Chi phí logistics cao hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của công ty may mặc có nhiều đơn hàng FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán). Giá FOB đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu. Giá FOB không bao gồm chi phí bỏ ra để vận chuyển hàng bằng đường biển, cũng không bao gồm chi phí bảo hiểm đường biển.

Ngoài ra, lạm phát kéo dài hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm đối với các sản phẩm dệt may.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng triển vọng của ngành dệt may sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Hiện 85% doanh thu các công ty dệt may đến từ xuất khẩu; trong đó, Mỹ và EU chiếm 61%.

Công ty chứng khoán này nhìn nhận, định giá cổ phiếu dệt may như hiện nay dù tương đối rẻ, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn với những khó khăn trước mắt.

Thực tế từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu dệt may đã giảm mạnh. Theo đó, MSH giảm hơn 43%, STK giảm gần 23%, TNG giảm 18,6%, M10 giảm 13%, VGG giảm 11%....

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top