|
Nhiều DN vốn FDI đã chọn KCN Phú Bài để SXKD |
Gắn bó với môi trường công nghiệp
Năm 2014, anh Nguyễn Thanh Ngọc (Phú Hồ, Phú Vang) từ một chàng sinh viên bách khoa công việc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh lại về đầu quân tại Nhà máy bia Huda Huế tại KCN Phú Bài. Theo anh Ngọc, hơn 12 năm gắn bó với nhà máy này, được lãnh đạo và đồng nghiệp tín nhiệm cao, anh hăng hái làm việc với tinh thần không ngại khó, cầu tiến nên có mức thu nhập khá ổn định, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Với anh, nhà máy bia Huế nói riêng và KCN Phú Bài nói chung bây giờ như là ngôi nhà thứ hai của mình.
Cũng như anh Ngọc, Võ Hùng Thành (42 tuổi, Phong Chương, Phong Điền) sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách, năm 2016 anh trở về xin vào làm công nhân tại Công ty Scavi Huế tại KCN Phong Điền rồi gắn bó đến ngày hôm nay. Niềm vui của anh Thanh khi vào làm việc tại Công ty Scavi là công việc ổn định, đã gặp được vợ, xây dựng cuộc sống hạnh phúc. “Làm việc tại các nhà máy ở KCN nói chung đủ sống nuôi dạy con cái, với tôi như vậy là mãn nguyện rồi” - anh Thành trải lòng.
Nhiều trường hợp tôi đã gặp ở KCN Phú Đa hay KKT Chân Mây - Lăng Cô hiện nay rất phấn khởi. Các bạn chia sẻ, nhờ có các KKT, KCN ở địa phương mà có cơ hội để đổi đời. Hiện tại, với các bạn, ngoài việc có tay nghề, chuyên môn vững, mức thu nhập cũng khá hơn so với trước đây và mừng hơn là không phải xa quê...
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, các KCN, KKT đóng vai trò rất lớn trong giải quyết việc làm cho người dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đa số lao động ở địa phương phải vào nam, ra bắc tìm việc thì nay nhiều người ở lại quê làm trong các KCN gần nhà.
Bình quân mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH cung cấp cho các KKT, KCN ở địa phương hàng nghìn lao động. Không chỉ dạy nghề, nhiều lao động được trang bị những kỹ năng, tác phong công nghiệp, qua đó giúp thay đổi thói quen cho những công nhân vốn xuất thân từ nông dân, lao động tự do thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Động lực phát triển kinh tế
Đến nay ở Thừa Thiên Huế thu hút gần 170 dự án (DA) vào 2 KKT, 6 KCN tại địa phương; trong đó có 55 DA đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư đăng ký 112.790 tỷ đồng. Trong đó, có 44 DA vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 71.701 tỷ đồng.
Gần đây, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhìn chung hoạt động SXKD của các DN đã phục hồi, tăng trưởng đều qua các năm, vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch. Năm 2023, doanh thu tại khu vực này ước đạt 35.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 900 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 590 triệu USD; nộp ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng và giải quyết gần 50.000 lao động. Kết quả này có thể khẳng định các KKT, KCN đã tạo cú hích quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương, giúp kinh tế Thừa Thiên Huế tăng trưởng ổn định.
Theo ông Lê Văn Tuệ, Giám đốc Ban Quản lý các KKT, KCN tỉnh, một trong những đóng góp của các KKT, KCN là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động phổ thông. “Gần đây, với việc đẩy mạnh các giải pháp chiến lược về cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, môi trường đầu tư cũng thay đổi rõ nét. Từ đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh” - ông Tuệ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chủ trương xuyên suốt của tỉnh là xây dựng Huế xanh, sạch, đẹp. Do đó, tỉnh luôn chú trọng rà soát điều chỉnh, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KKT, KCN sạch đẹp. Trong thu hút các DA sản xuất kinh doanh tại các KKT, KCN cũng được thẩm định chặt chẽ, ưu tiên các ngành nghề, như công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, điện tử, y tế, công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, thu các DA đầu tư hạ tầng cảng biển, logistics, sản xuất công nghiệp... với những nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực, kinh nghiệm, góp phần đưa Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm một trung tâm kinh tế, văn hóa trong khu vực miền Trung và cả nước...
|
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng quy quy hoạch chỉ rõ, phát triển KKT, KCN nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại…
|