ClockThứ Ba, 19/05/2020 06:45

Du lịch biển: Đảm bảo an toàn trong mùa cao điểm

TTH - Dù hạ tầng ít nhiều được đầu tư, nhưng dịch vụ kèm theo hầu như nghèo nàn. Một số bãi biển, công tác cứu hộ cứu nạn chưa được quan tâm đúng mức.

Bãi biển sôi động sau nới lỏng giãn cáchDu lịch biển vắng khách

Bãi tắm Vinh Thanh đông nghịt người nhưng bộ máy ban quản lý vẫn đang được kiện toàn

Khó kiểm soát

Sau một thời gian dài đóng cửa để phòng dịch COVID-19, ngày 4/5, UBND tỉnh cho phép những bãi biển cộng đồng mở cửa trở lại. Lệnh mở cửa trùng với lúc nắng nóng cao điểm khiến những bãi tắm ngay lập tức thu hút đông đảo người dân đến vui chơi.

Thời điểm cuối tuần tại những bãi tắm như, Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), Cảnh Dương, Bình An (Phú Lộc), Hải Dương (TX. Hương Trà)… nhộn nhịp dòng người đến thư giãn, ăn uống.

Dù UBND tỉnh cho phép các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, nhưng các cơ sở dịch vụ nhà hàng, quán ăn phải bố trí nơi rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn. Quá trình hoạt động phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động có tập trung đông người phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Những yêu cầu này nhằm đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt.

Chủ trương của UBND tỉnh đã giúp những doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh “hồi phục”. Song, vào cuối tuần, lượng khách đổ về bãi biển rất đông, chuyện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khó kiểm soát.

Theo thống kê của Phòng Quản lý TDTT - Sở Văn hóa Thể thao, hiện có khoảng 10 bãi tắm đã hình thành ban quản lý, trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ cứu nạn…, nhưng tại một số bãi tắm, công tác kiểm soát người tắm biển còn lơ là.

Tại bãi tắm Vinh Thanh (huyện Phú Vang) vào thời điểm cuối tuần, mặc dù rất đông người dân đến đây tắm biển nhưng theo quan sát không thấy lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh Phan Đức Anh thừa nhận vấn đề này, đồng thời cho rằng, bãi tắm được phép mở cửa nhưng bộ máy ban quản lý chưa được kiện toàn và bởi tác động của dịch bệnh nên sự chuẩn bị cho mùa du lịch biển năm nay chậm hơn thường lệ. “Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy ban quản lý bãi tắm. Về công tác cứu hộ cứu nạn, chúng tôi phối hợp với các chiến sĩ bộ đội biên phòng để đảm trách, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách”, ông Anh nói.

Bên cạnh những bãi tắm có ban quản lý, hiện nhiều bãi tắm tự phát ở các địa phương bãi ngang, câu chuyện cứu hộ, cứu nạn vẫn còn bỏ ngỏ. Trưởng phòng Quản lý TDTT Lê Ngọc Tư cho biết: “Trách nhiệm đảm bảo an toàn tại các bãi biển tự phát thuộc về địa phương. Đối với các bãi biển đã hình thành ban quản lý bắt buộc phải thành lập đội cứu hộ cứu nạn. Khi chúng tôi kiểm tra, nếu lơ là sẽ có chế tài xử phạt”.

Kiểm soát toàn diện

Những năm gần đây, du lịch biển đang ngày càng phát triển với sự đầu tư về hạ tầng lẫn con người. Không khó nhận ra những bãi cát trắng, thoai thoải sạch đẹp sau phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" tại thị trấn Thuận An, hay phong cảnh tuyệt đẹp tại bãi tắm Hải Dương, Cảnh Dương...

Với bãi tắm Thuận An, ngày cao điểm đón đến 5.000 lượt khách. Song, khảo sát của chúng tôi, ngoài các dịch vụ ăn uống, tắm biển, dường như không có một dịch vụ nào khác khi du khách đến đây để trải nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An Nguyễn Văn Giàu thừa nhận: “Mùa du lịch biển năm nay cùng với thời điểm dịch bệnh COVID – 19 phức tạp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ biển hầu như không có nguồn thu nên theo đó không có dịch vụ mới nào được mở. Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung vào công tác đảm bảo an toàn, cứu hộ cứu nạn và kiểm tra việc niêm yết giá đúng theo quy định của các cơ sở kinh doanh”.

Theo ông Lê Ngọc Tư, mặc dù du lịch biển tại Thừa Thiên Huế đang chuyển biến nhưng ngoài số ít doanh nghiệp lớn ở Lăng Cô (Phú Lộc) đầu tư một số dịch vụ vui chơi giải trí theo cách riêng thì tiềm lực các địa phương ven biển chưa đủ để hình thành nên những dịch vụ như ở bãi biển các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa -Vũng Tàu.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện vẫn chưa có sự hỗ trợ rõ ràng cho các doanh nghiệp du lịch biển, song thời gian tới, sở sẽ phối hợp thành lập đoàn liên ngành để đánh giá lại sự phát triển của du lịch biển sau tác động COVID- 19, đồng thời kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh, lưu trú, công tác cứu hộ cứu nạn tại các địa phương.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định

TIN MỚI

Return to top