Sen ở hồ Tịnh Tâm. Ảnh: Đăng Tuyên
“Sen Huế” đang dần mai một
Nói đến sen Huế, nhiều người biết đến sen trắng ở hồ Tịnh Tâm - hồ sen cung cấp cho cung đình Huế xưa. Từ hoa sen để dâng cúng, hạt sen để nấu chè và tim sen để pha trà. Trong top 50 món ăn đặc sản Việt Nam của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2015, hạt sen hồ Tịnh Tâm của Thừa Thiên Huế được nhắc tên như một sự khẳng định thương hiệu sen hàng đầu Việt Nam.
Toàn tỉnh hiện có trên 400 ha ao trồng sen, cho thu nhập từ hạt sen khoảng 50 triệu đồng/ha (chưa kể các khoản thu từ bán giống, ngó sen, hoa sen, lá sen). Ngoài hồ Tịnh Tâm, hiện cũng có những vùng trồng sen Huế: Thôn Diên Lộc xã Phú Diên (Phú Vang) có 3 hộ trồng 2 bàu rộng 5 ha giống sen hồng cổ truyền. Thôn 6 xã Vinh Thanh (Phú Vang) có 42 hộ trồng khoảng 40 ha, trồng chủ yếu giống sen hồng của Diên Lộc. Năng suất bình quân của các vùng này là 25 kg sen khô/sào (khoảng 500kg/ha). Sản phẩm cung cấp cho cơ cở Liên Hương với giá từ 180.000–200.000đ/kg hạt khô.
Xã Thủy Bằng (Hương Thủy) có 2 ao rộng 3 ha ở thôn Bằng Lãng có truyền thống trồng sen trắng đã trên 100 năm. Năng suất bình quân 500- 600kg/ha hạt sen khô (những năm thời tiết thuận lợi có thể đạt 1 tấn/ha). Với giá bán khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg hạt khô.
Ngoài ra, một số vùng như Quảng Điền, Hương Trà, ven Huế có một số nơi trồng sen trắng; như thị trấn Sịa khoảng 1.500m2; thị xã Hương Trà 300m2; Thuận Lộc, Hương Sơ (Huế) khoảng 4000m2. Như vậy, diện tích trồng sen Huế truyền thống đạt khoảng gần 50 ha, cho năng suất khoảng 25 - 30 tấn/năm.
Tuy nhiên, với phương thức tự phát, sử dụng kinh nghiệm dân gian là chủ yếu, sản xuất manh mún nên diện tích trồng sen tại Huế chưa phát huy được hết năng suất cũng như đảm bảo được chất lượng vượt trội của sen Huế. Hơn thế, vì lợi ích trước mắt nhiều hộ dân trồng sen đã bỏ qua các công đoạn cần thiết, tạo ra sản phẩm không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều đó khiến sen Huế đang dần mai một về cả năng suất lẫn chất lượng.
Bảo vệ thương hiệu “sen Huế”
Trước sự mai một của sen Huế, việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “sen Huế”, tạo thương hiệu đủ mạnh cho sản phẩm sen Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nhằm một lần nữa khẳng định chất lượng của sen Huế. Xây dựng và quảng bá “thương hiệu” cho “sen Huế” cũng là việc làm thiết thực nhằm bảo vệ các đặc sản địa phương.
Trước thực tiễn đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Phát huy giá trị sen Huế” với kinh phí dự kiến 395 triệu đồng. Hội Nông dân tỉnh được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành để phát triển thị trường, xúc tiến thương mại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng ban Xây dựng hội thuộc hội Nông dân tỉnh cho hay, hội phối hợp với Công ty Innetco cùng các bên liên quan để thực hiện đề án trên. Đề án bao gồm 17 giai đoạn, dự kiến sẽ đánh giá kết quả của dự án vào tháng 7 /2021. Hiện tại, đề án đang thực hiện ở giai đoạn 12 với việc thiết kế và in ấn quảng bá cho thương hiệu sen Huế.
Bà Nga cũng hy vọng, sau khi dự án thành công, các doanh nghiệp có năng lực trong và ngoài tỉnh sẽ biết đến và đầu tư vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sen Huế, giúp cho nông dân góp phần ổn định chất lượng, gia tăng sản lượng các sản phẩm sen và tiến đến tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ sen.
ĐĂNG TRÌNH