|
Hạt mưa qua lá. Ảnh: Tư liệu |
Điệp khúc nớ nghe quen, kể từ ngày tôi biết hắn. Nghe miết tưởng nhàm, nhưng tôi cũng là dân xứ lụt hạ lưu Thu Bồn, lụt để lội bắt dế, thả vó cất cá khác lụt mà chạy trối chết, thấm đòn cái cảnh nước bò lên thềm rồi cuốn phăng mọi thứ tích cóp lẫn mạng người về với hà bá. Đói, lạnh, ẩm ướt từ bao đôi mắt âu lo. Nhưng lạ, bữa ngồi với hai người già là ba bạn và một ông hàng xóm, đã qua tuổi 70, khơi chuyện mưa lụt, họ nói lớt phớt, xem như thường, làm tôi chột dạ. Huế mưa lụt là chuyện thường, nhưng thuở trước thì lụt tắm gội bụi đất như phép hóa sinh thường tình của ông trời, chứ chừ là hoảng sợ. “Ở đây là ngã ba sông Như Ý, hồi trước nước băng Đập Đá là vô nhà, chừ sông Hương dưới báo động 2 mới vô, nhưng mưa lớn cũng ngập, vì thoát nước kém”, ông kia nói cho qua chuyện. Cả một phường Xuân Phú trước đây là ruộng, là tre mênh mông, chừ thành nơi tọa lạc của trung tâm hành chính tỉnh, đang trên đường hoàn chỉnh việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nên nước cứ quẩn quanh.
Một đời sương gió với ruộng đồng, nét cay cực không khoan nhượng đổ dài trên người ông. Tôi không nghĩ do ông kiệm lời, mà có lẽ sống một đời cần lao cơm áo, nỗi khổ lặn hết vào trong, lo lắng nhường chỗ cho kỳ vọng, để giấc mơ cho ngày mai lớp cháu con mình sẽ khác, ươm mầm hy vọng. Nỗi mong không như đêm chờ sáng, ngày chờ đêm, mà là khoắc khoải khôn nguôi, khi tôi hỏi “tỉnh phấn đấu lên thành phố trực thuộc Trung ương, bà con mong chi?”, thì ba bạn nói liền “cuộc sống khá hơn, xóa đói giảm nghèo nhiều hơn, bài trừ tốt hơn tệ nạn xã hội”.
Người lao động nói không sách vở, không chữ nghĩa hàn lâm rổn rảng. Ngắn gọn, hình như truyền đời côi cút làm ăn, họ quên mình đi mà chỉ nghĩ về đám đông, gia đình. Dù là phường hay trung ương chi đó, cơm áo, bình yên lẫn tính cộng đồng là yếu tố then chốt để giữ nếp văn hóa gốc được thiết lập vốn từ trong máu thịt người dân, khi ông già kia thổ lộ một tràng dài về chuyện cùng nhau cúng tế, giữ đình, giữ chùa trong phố, rồi hai ông cùng bấm đốt ngón tay, là đã thấy chuyện tế lễ, thờ cúng với một loạt hệ thống thờ tự, xóm trên, xóm dưới quyện bám nhau đã đến đời thứ 6. Ruộng vườn lẫn khói hương tâm linh nuôi sống bao đời đi qua gian khó. Ra đường, hễ thấy ai gánh khoai, sắn, bắp đi bán, thì chắc chắn là người làng Vân Dương, bạn nói. Chừ ở đây, bà con cũng làm ruộng rồi thợ sơn, thợ nề. Mang tiếng ở phố, nhưng vào làng là tre pheo ngang mặt. Làng trong phố, phố trong làng. Thời buổi nhộn nhạo này, giữ được nếp quê giữa phố, đừng nghĩ nó là đặc sản, mà hãy mừng đó là cơ may, khi con người hiện đại sống vốn rất đỗi vô tình. Văn hóa chứ không gì khác, là trục xoay của hệ quy chiếu để mọi thứ tham vấn vào đó. Một góc thanh bình giữa nhộn nhạo ngựa xe, có được không?
Đất họ đang cư ngụ, dẫu thăng hạng lên cấp này cấp kia đi nữa, họ vẫn phải sống như đã từng sống, nhưng quyền mơ ước của họ sẽ không ngừng. Ở thành phố nọ, người ta ca thán chuyện chạy lụt giữa phố. Nó chỉ là một góc vấn đề, bởi nó là con đẻ từ phân lô bán nền vô tội vạ, chen chúc, kẹt đường, rác nước thải, mất an ninh trật tự… Đó là hệ quả của không rạch ròi, không đi xa, không dám thẳng băng nói và làm, rằng quy hoạch đô thị khác hoàn toàn quy hoạch địa ốc. Đô thị là một thực thể sống, địa ốc là một khối nhà vô tri. Chừng nào đô thị không phải là nơi xung đột lợi ích mà phải là nơi trung hòa, hóa giải xung đột, thì những giấc mơ đáng sống như ba bạn mới hình thành.
Mọi thứ đều có thể, tất cả đều không muộn, khi cánh cửa mới bắt đầu mở, nhưng muốn mở nó cho gió chan hòa, không bây giờ thì bao giờ? Nhớ bữa bạn viết Huế đã bỏ quên trên bàn giấy hơn 10 năm rồi một dự án hoàn toàn khả thi khi mưa lụt là một sản phẩm du lịch. Bỏ quên một cơ hội, lửng lơ một ý tưởng đột phá, nhiều khi nó như dây cháy chậm như vô vàn dây cháy chậm khác bị ngấm lụt, mà nếu nó khô, được châm ngòi bùng cháy, thì ai dám nói giấc mơ Huế đã không cứ ở vạch khởi động?
Mưa Huế có buồn không? Buồn với lữ khách phương xa, nhưng với người sở tại, có lẽ nó không buồn bởi riết thành quen, nhưng đó là cơn ru ngủ lịm người khiến mọi thứ tuột trôi ngoài cửa. Lắm khi nghĩ, đời sống thị thành, chẳng cần triết lý vòng vo, cứ nhìn người nông dân tiếng ở trong phố nhưng sống như ngoại ô, chẳng lơi tay cuốc, tay cày, bởi áo cơm kêu đòi, nhưng họ gửi niềm tin vào một sương mai không mưa. Một đô thị sáng - sạch - xanh, nói thẳng, chưa nơi nào trên đất nước này có được, đúng ra là đã có, nhưng nay đã mất điểm trên bảng phong thần, là Đà Lạt một thuở. Còn mỗi Huế đó, cứ nhìn vào đôi mắt người già như ba bạn, vô ngôn mà vang động như một công án, liệu có giải được không?
Mơ một giấc mơ không mưa!