ClockThứ Ba, 18/07/2023 07:06

Giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

TTH - Tiếp cận các nguồn vốn vay trung và dài hạn là nhu cầu thực tế của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các ngân hàng giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện các mục tiêu dài hơi.

Các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm lên gần 1%Áp lực lạm phát đẩy lãi suất, tỷ giá tăng

leftcenterrightdel
 Nhu cầu vốn tín dụng trung và dài hạn của doanh nghiệp rất lớn

Nhu cầu vốn trung, dài hạn lớn

Với đặc thù là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong hai năm bùng phát dịch, Công ty CPPM gặp không ít khó khăn khi doanh thu giảm chỉ còn 50%. Thời điểm hiện tại, tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng không mấy khả quan khi nhu cầu xây dựng giảm. Doanh nghiệp đang phải gồng mình để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, công nhân.

Giám đốc doanh nghiệp này cho hay, do doanh thu giảm nên doanh nghiệp rất khó về dòng tiền, thu không bù chi. Doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng trung và dài hạn để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, điều này không hề dễ vì doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí mà ngân hàng đưa ra nhất là doanh thu và dòng tiền. Nếu có, doanh nghiệp chỉ có thể vay được các gói tín dụng trong ngắn hạn.

leftcenterrightdel
 Các ngân hàng đang tập trung giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn

Thực tế, khi vay vốn ngắn hạn lãi suất sẽ thấp hơn nhiều so với vay trung và dài hạn tuy nhiên khi vay ngắn hạn áp lực trả nợ sẽ rất lớn. Những chương trình này rất phù hợp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ với thời gian quay vòng vốn ngắn từ 3 đến 6 tháng. Trong khi, vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp ngành xây dựng lớn hơn đồng nghĩa khả năng quay vòng vốn của doanh nghiệp dài.

Chủ doanh nghiệp này chia sẻ, thông thường vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp ngành xây dựng kéo dài từ 12 tháng đến 24 tháng, thậm chí lâu hơn. Nên việc vay ngắn hạn phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế sẽ khó khăn. Doanh nghiệp xây dựng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp luôn đối mặt với tình trạng thanh toán sau, trả chậm, nợ nên thời gian thu hồi vốn kéo dài, khả năng trả nợ trong ngắn hạn rất khó.

Thực tế về tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thời gian gần đây phần nào cho thấy điều này. Khi, các ngân hàng đang có sự dịch chuyển cho vay ngắn hạn nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, các ngân hàng đã đầu tư nhiều hơn vào chất lượng tín dụng và đòi hỏi bên vay sử dụng đúng mục đích và tăng chu kỳ sản xuất, kinh doanh trên một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Bằng chứng là các ngân hàng đều triển khai các chương trình cho vay ưu đãi cho các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn là 8%/năm. Vietcombank cũng tung gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng; cá nhân vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn lãi suất cũng từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng…

Siết dòng vốn trung, dài hạn

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ, bản chất cho vay của ngân hàng là hỗ trợ vốn lưu động, còn thị trường huy động vốn trung và dài hạn nằm ở thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Việc các ngân hàng chuyển từ tập trung cho vay trung và dài hạn sang đầu tư vốn cho các dự án trong ngắn hạn sẽ giảm thiểu rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu…

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng thông tin, huy động vốn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu tập trung trong ngắn hạn. Hiện, tiền gửi ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, trong khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn đang ở mức gần 60%. Chênh lệch lớn giữa huy động ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn sẽ gây rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Đơn cử, nếu xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt ở một tổ chức tín dụng, nếu ngân hàng tập trung đầu tư vốn cho vay trung và dài hạn sẽ dẫn đến những rủi ro mất thanh khoản, ảnh hưởng đến niềm tin khách hàng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì thế, việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để kiểm soát rủi ro là cần thiết.

Ngoài ra, theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì, từ 1/10/2022, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Vì thế, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tăng dần tỷ lệ tiếp cận vốn ngắn hạn để giảm dần tỷ lệ cho vay trung và dài hạn tiệm cận dần mức 34% như quy định của Thông tư 22.

Theo ông Lê Việt Sỹ, nhu cầu của nền kinh tế không chỉ vốn ngắn hạn mà cả vốn trung, dài hạn. Trong khi thị trường vốn trung, dài hạn lại phụ thuộc nhiều vào thị trường vốn như phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Do vậy, việc thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hoàn thiện thể chế phát triển kênh trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp mới thúc đẩy được thị trường vốn trung và dài hạn. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng được uy tín, nâng cao hiệu quả công tác quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

Sáng 21/11, lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin, đơn vị đang tiến hành trao giải và giấy chứng nhận cho 100 khách hàng tiêu biểu đã đạt các tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do đơn vị phát động.

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

TIN MỚI

Return to top