ClockThứ Tư, 16/12/2015 14:31

Gian truân nghề làm chổi bòng bong

TTH - Không biết nghề làm chổi rành ở tổ 13 phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy có từ bao giờ, chỉ nghe những người lớn tuổi trong làng kể là có từ rất lâu rồi. Đến khi nguyên liệu khan hiếm người dân ở đây đã tìm tòi ra một loại cây bòng bong để thay thế, tiếp tục mưu sinh bằng nghề bó chổi.

Chổi bòng bong được phơi khô, làm chắc chắn nên dùng rất bền

Vất vả bám nghề

Nói về “gốc tích” nghề làm chổi bòng bong, dì Võ Thị Phúc (51 tuổi) cho biết, trước đây gia đình tôi và các hộ dân trong tổ làm nghề bó chổi rành, nhưng từ khi người ta phát rừng trồng keo, tràm thì cây rành khan hiếm dần. Một số người lấy cây bòng bong về làm chổi quét thay chổi rành, thấy quét sạch mà lại bền nên mới rủ nhau lên rừng bứt cây bòng bong về làm chổi bán. Ba năm trở lại đây, cây bòng bong được những người dân Thủy Phương làm chổi thay thế cây rành rành.
Cây bòng bong mọc phổ biến ở vùng trung du hoặc ở vùng núi cao. Cây mọc dài kí sinh lên các bụi cây. “Hồi đó chỉ cần đi một buổi xung quanh vùng này là chở về cả xe bòng bong. Giờ thì phải xuống tận vùng Vinh Thanh, Vinh Hà, Phú Sơn để lấy. Bốn giờ sáng dậy chuẩn bị cơm nước rồi hai vợ chồng chở nhau vào rừng bứt bòng bong. Vào rừng bứt bòng bong lo nhất là trời mưa bất ngờ, có hôm hai vợ chồng mới lên đến núi thì trời đổ mưa, cũng không thể trở về tay không nên dầm mưa mà bứt, người ướt như chuột lột vừa mệt vừa rét. Mấy ngày này trời đẹp, tranh thủ đi lấy nguyên liệu để trời mưa gió thì ở nhà bó chổi”, dì Phúc chia sẻ.
Gặp anh Nguyễn Thắng (45 tuổi) đúng lúc anh đi rừng về, chiếc áo lao động đã phai màu ướt đẫm mồ hôi. Anh vui vẻ nói với vợ: “Hôm nay gặp may, đi một buổi mà đã bứt được cả bó to, chừng này chắc cũng bó được trên 30 cái chổi. Chỗ đó còn nhiều bòng bong để mai anh vào lấy tiếp”. Nói rồi anh quay qua trò chuyện với tôi: “ Nghề này khổ lắm em ơi! Nhưng mình không học hành, chỉ biết làm việc chân tay mà đi làm thuê lấy được đồng tiền thiên hạ đâu phải dễ, thôi thì cực một chút, chịu khó làm việc nuôi tụi nhỏ học hành cho tới nơi tới chốn. Con gái lớn của anh giờ đã là sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ rồi đấy”!
 Kể về nghề làm chổi của mình, dì Võ Thị Gái (58 tuổi) cho hay: “Tui chẳng nhớ mình làm nghề này từ bao giờ nữa, chỉ nhớ khi còn nhỏ ở nhà làm phụ cha mẹ làm chổi, rồi lấy chồng sinh con cũng bám lấy cái nghề này mà mưu sinh. Hai vợ chồng làm cật lực cũng kiếm được 200 ngàn đồng/ngày. Trước đây làm chổi rành, giờ làm chổi bòng bong vất vả hơn vì phải đi xa. Cây này thường mọc thành lùm trên cây cao muốn lấy được phải trèo lên cây, làm trầy tay, xước chân hết”. Chia sẻ về công việc vất vả của mình nhưng dì Gái vẫn không quên khoe: “Tui có hai đứa con gái lấy chồng ở Quảng Bình, ra đó nó cũng làm nghề bó chổi bòng bong đấy. Ngoài đó chổi bòng bong bán được giá lắm, 12 -15 ngàn đồng/cây”.
Chỉ mong đắt hàng
Vừa xếp từng bó bòng bong phơi khô lại cho gọn gàng, chị Na (34 tuổi) cho hay, đây là bòng bong dự trữ để làm chổi bán Tết. Làm chổi bòng bong vất vả thật nhưng được cái làm đến đâu, bán hết đến đó. Ở đây, nhà nào cũng làm chổi quanh năm với số lượng lớn nên có người về tận nhà lấy sỉ chứ không phải đưa ra chợ để bán. Mùa Tết, phải huy động mấy đứa nhỏ phụ mẹ bó chổi mới kịp giao hàng cho khách. Còn hai tháng nữa mới tới Tết nhưng nhiều lái buôn đã điện thoại về đặt hàng mấy trăm cái”.
Để làm ra một cây chổi bòng bong bán với giá 6 ngàn đồng/cây những người dân ở đây phải đi vào rừng từ sáng sớm cho đến xế chiều mới về. Cây bòng bong hái về đem phơi khô từ 1-2 ngày, rũ hết lá sau đó mới chặt thành từng khúc tầm 30 cm rồi dùng dây lác bó thành chổi.
Chị Lê Thị Thương, một người buôn chổi (40 tuổi, ở Phú Bài) nhận xét: “Mới đầu nhiều người thắc mắc không biết chổi bòng bong quét có bền không, nhưng giờ khách hàng dùng đã quen. Không những bán ở chợ Phú Bài, Đông Ba, bán ở chợ Phú Đa, Tứ Hạ rất chạy. Chổi bòng bong của người dân Thủy Phương làm rất chắc chắn, bòng bong phơi khô nên dùng rất bền”.
 Vất vả là thế, công việc mỗi ngày bắt đầu từ tờ mờ sáng cho tới tận khuya nhưng với những hộ làm chổi ở tổ 13 phường Thủy Phương thì đó vẫn là niềm vui khi mỗi chuyến đi rừng chở về một xe đầy bòng bong hay những chiếc chổi được bó gọn gàng, chắc chắn được bạn hàng tới mua. Những giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống nơi núi rừng để đổi lại những bữa cơm no hay tấm áo mới cho con đến trường chính là niềm hạnh phúc vô bờ của những người lao động nghèo như họ. Chẳng ước mơ về những điều lớn lao, những người làm nghề bó chổi như dì Gái, chị Na, anh Thắng… chỉ muốn những cây chổi mình làm ra bán chạy hàng, có nguồn thu ổn định để trang trải cho cuộc sống.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

TIN MỚI

Return to top