ClockThứ Hai, 15/04/2024 10:58

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

“Mạnh về biển, giàu từ biển”Thành lập công đoàn cơ sở tại Khu công nghiệp Tứ Hạ​Để các khu kinh tế, công nghiệp phát triển đa ngành, đa lĩnh vực

Khu công nghiệp An Phát Complex tại tỉnh Hải Dương hướng đến mô hình khu công nghiệp kỹ thuật cao, xanh và bền vững. (Ảnh VĂN ANH) 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 416 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có bốn khu chế xuất với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha và tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Đến nay, hệ thống các khu công nghiệp đã có mặt tại 61 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước cũng như là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Trong xu thế phát triển mới, các mô hình tổ chức kinh tế theo lãnh thổ đang có sự thay đổi về mục tiêu phát triển và Việt Nam không phải ngoại lệ. Đồng thời, hướng tới phát triển bền vững, yêu cầu về xây dựng khu công nghiệp xanh và chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái đang trở thành nhu cầu cấp thiết để thích ứng với yêu cầu phát triển.

Một báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong hơn 30 năm hình thành và phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam, đến nay, việc phát triển các khu công nghiệp theo chiều rộng đang gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao, chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Quá trình này cũng đang gặp khó khăn khi các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần và mối liên kết, hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) cho thấy, nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các khu công nghiệp của Việt Nam đã được quy hoạch lên đến khoảng 600-650 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng và lấp đầy các khu công nghiệp lên đến khoảng 650-700 tỷ USD.

Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và tái cấu trúc, chuyển đổi 293 khu công nghiệp hiện hữu thành các khu công nghiệp sinh thái để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng rất lớn.

Theo ghi nhận của Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam, thời gian triển khai một dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có thể kéo dài hơn 3 năm, thậm chí 5 năm vì gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc về khung pháp lý, giải phóng mặt bằng…, nhất là đầu tư theo mô hình khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đưa ra các định nghĩa rõ hơn về khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao… nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, các quy định và định hướng phát triển các khu công nghiệp vẫn còn nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp quy và các luật khác, như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Chia sẻ về thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, ông Chu Đức Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty SM Tech Vina Engineering cho biết có trường hợp một doanh nghiệp vận hành sản xuất cần rất nhiều dầu nhờn và sau khi hoàn thiện sản phẩm, khối lượng dầu thải cũng rất lớn. Doanh nghiệp này tìm được đối tác sẵn sàng mua lại dầu thải vì đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất của họ.

Tuy nhiên hai bên không hợp tác được với nhau vì vướng nhiều quy định. Từ thực tế này, ông Chu Đức Tâm cho rằng, muốn xây dựng khu công nghiệp xanh, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và xử lý môi trường trong khu kinh tế, bên cạnh vấn đề tài chính, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp. Bản chất kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín và chất thải của doanh nghiệp này có thể trở thành nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nếu không phân biệt dầu mới với dầu tái chế và áp chung một mức thuế, sẽ không thể có quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp để tạo nên kinh tế tuần hoàn.

TS Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam cho rằng việc thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đang bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục. Đó là quy hoạch, định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu tầm nhìn tổng thể, tính dài hạn, còn dàn trải theo địa giới hành chính, thiếu liên kết ngành và liên kết vùng; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong nước vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư lấp đầy, chưa thật sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và xã hội của dự án đầu tư cho nên hiệu quả đầu tư phát triển các khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Mặt khác, do năng lực tài chính hạn chế, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp còn có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong khu công nghiệp, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp.

Để huy động được nguồn vốn lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, TS Ngô Công Thành cho rằng cần có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái cần được luật hóa hoặc hướng dẫn cụ thể, khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Hằng năm, số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 60-70% lượng vốn FDI thu hút được trong cả nước và tỷ lệ này vẫn đang trong chiều hướng tăng lên. Điều đó cho thấy khu công nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.

TS Phan Hữu Thắng Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam

Theo Nhân dân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguồn học liệu quý cho trẻ mầm non

Những tác phẩm từ cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế, tranh vẽ về văn hóa Huế, sưu tầm văn hóa dân gian do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức là nguồn học liệu quý trong thực hiện chương trình giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non.

Nguồn học liệu quý cho trẻ mầm non
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

TIN MỚI

Return to top