Dù triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá song cửa hàng Odessa vẫn vắng khách
Đường Bến Nghé từ lâu được mệnh danh là tuyến đường “hàng hiệu” của Huế, hội tụ hàng chục cửa hiệu thời trang, từ áo quần, túi xách, giày dép… và luôn thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ cuối tháng 4/2021 khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư, số lượng khách đến mua sắm thưa dần và vắng vẻ. Nhiều cửa hàng trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, mở cửa thì vắng khách nhưng phải đóng thuế, nếu đóng cửa thì lãng phí mặt bằng đã thuê và nhân viên mất việc.
Cửa hàng thời trang Odessa ở 56 Bến Nghé, TP. Huế là chuỗi thương hiệu thời trang với 41 cửa hàng có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên luôn trưng bày nhiều sản phẩm mới, đồng thời thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách. Tuy nhiên, từ tháng 3/2021 đến nay, mặc dù hàng tháng đều triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá “sốc” với mức giảm từ 10- 60%, song số lượng khách đến mua sắm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo nhân viên bán hàng Nguyễn Hồng Loan, so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, hiện doanh số bán hàng của cửa hàng giảm trên 80%, trong đó những sản phẩm cao cấp có giá trị cao dường như không tiêu thụ được. Hiện, mỗi ngày cửa hàng chỉ đón vài khách, chủ yếu là mua hàng giảm giá, song không thể đóng cửa vì chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên và sản phẩm sẽ lỗi mốt; còn vẫn tiếp tục kinh doanh thì phải nộp thuế, song doanh thu quá thấp.
Cà phê Share ở 2/57 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế trước đây là địa điểm thu hút khá nhiều khách hàng. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thực hiện quy định giãn cách nên doanh thu giảm trên 70%, trong khi các khoản chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước, thuế vẫn không giảm nên cơ sở gặp khá nhiều khó khăn.
Theo chị Phạm Thị Minh, chủ cơ sở kinh doanh, mặc dù xác định lượng khách giảm do thực hiện giãn cách, song cơ sở không thể đóng cửa vì sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động nên vẫn cố gắng duy trì. Hiện, mỗi tháng cơ sở phải đóng gần 2 triệu tiền thuế.
Chị Minh cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho hộ kinh doanh cá thể trong thời điểm thực hiện các quy định phòng chống dịch COVID-19, ngành thuế nên có chính sách giảm thuế nhằm giúp các cơ sở duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép vừa kinh doanh, vừa phòng chống dịch.
Qua thống kê, toàn TP. Huế hiện có khoảng 7.000 hộ kinh doanh cá thể. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình kinh doanh ế ẩm, trong đó các nhà hàng ăn uống, giải khát quy định không tập trung quá 10 người nên nhiều cơ sở đã nộp đơn xin tạm dừng kinh doanh. Đến thời điểm này, có gần 1.000 hộ nộp đơn tạm dừng kinh doanh.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế Dương Cư, hiện chi cục đang tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể thực hiện thủ tục để được gia hạn thời hạn nộp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các hộ kinh doanh có thể gia hạn thời hạn nộp thuế đến 31/12/2021. Nếu hộ kinh doanh nào gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, thì có thể nộp đơn xin tạm dừng kinh doanh theo hướng dẫn của cán bộ thuế.
Bài, ảnh: Thanh Hương