ClockThứ Sáu, 14/09/2018 21:40

Gỡ vướng cho doanh nghiệp về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

TTH - Đó là chủ đề của Hội thảo trao đổi và tháo gỡ vướng mắc cho DN về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp cùng Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức vào ngày 14/9. Buổi hội thảo do Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thiên Định chủ trì cùng sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và đại diện trên 50 DN trên địa bàn.

Tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội cho 250 chủ cơ sở kinh doanhHơn 200 DN tìm hiểu đầu tư, kinh doanh ngành nghề có điều kiệnĐiều kiện kinh doanh vẫn 'hành' doanh nghiệpQuốc hội sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiệnChính phủ chính thức trình Quốc hội bỏ 36 ngành kinh doanh có điều kiện

Toàn cảnh hội thảo

Phiền hà vì giấy phép con

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thiên Định cho rằng, trong thủ tục đăng ký có điều kiện khiến nhiều DN phàn nàn về những quy định ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị mình, điều này có thể do nhận thức về pháp luật, do dịch vụ bổ trợ cho DN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có DN không biết ngành nghề mình kinh doanh có liên quan đến các thủ tục phải xin phép về đăng ký có điều kiện.

Theo đại diện Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông, một số giấy phép thừa và chồng chéo nhau nên loại bỏ, ví như khi đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng như đăng ký tiêu chuẩn xếp hạng sao, DN phải trang bị và đáp ứng tất cả các điều kiện liên quan (bể bơi, cứu hộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...) do đó, không nên tổ chức một đoàn liên ngành để kiểm tra những điều kiện “nhỏ” và đòi hỏi những giấy phép “con” như vậy, chỉ cần thẩm định giấy phép tổng là đủ.

Bên cạnh đó, trong hồ sơ xin giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ, DN phải cung cấp tất cả các giấy chứng nhận hợp quy các loại rượu, thiết nghĩ quy định này là thừa và mất thời gian. Tương tự, hiện bể bơi tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đơn thuần chỉ là dịch vụ hỗ trợ cho du khách khi lưu trú nhưng vẫn phải xin giấy phép hoạt động thể thao là không cần thiết.

Giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Tâm Huệ

Đại diện  Công ty VietnamTourism HaNoi nêu: “Từ 1/1/2019, tất cả quản lý, người đứng đầu của đơn vị lữ hành phải có chứng chỉ điều hành quốc tế hoặc nội địa, theo luật thì như vậy nhưng nếu bản thân người quản lý có chứng chỉ đào tạo do nước ngoài cấp thì như thế nào”. Đại diện Công ty CP khách sạn Hoàng Cung bày tỏ, đơn vị có đăng ký kinh doanh trò chơi điện tử cho người nước ngoài (casino), đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hiện có nhu cầu thành lập chi nhánh trực thuộc công ty hoạt động riêng với lĩnh vực này để quản lý và hạch toán cho chặt chẽ. Vậy vì sao chúng tôi phải xin giấy phép con của chi nhánh nữa.

Theo đại diện Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, trong 5 năm hoạt động, công ty thực hiện khoảng 20 giấy phép con, vừa qua, có đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu đơn vị phải làm các loại giấy phép cho hoạt động thể thao của đơn vị. Theo đó, người hướng dẫn các hoạt động này phải dự các lớp huấn luyện do Tổng cục Thể thao hay liên đoàn thể thao trung ương cấp mới được hoạt động, thế nhưng, các khu tập thể thao này chúng tôi mở cửa tự do cho khách vào tập, không có người hướng dẫn, như vậy theo yêu cầu của luật, công ty chúng tôi phải thuê người hướng dẫn và cử đi học, như vậy mất nhiều thời gian và chi phí cho DN. “Chúng tôi mong tỉnh giảm các yêu cầu này với các khu nghỉ dưỡng, resort. Ngoài ra, hàng năm công ty đều mời chuyên gia nước ngoài về huấn luyện hoạt động cứu hộ, cứu nạn và cấp chứng chỉ cho nhân viên, thế nhưng, vẫn phải cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo của sở, vì vậy, xin đề xuất sở có thể linh động cho DN không phải tham gia những khóa đào tạo như vậy nữa”.

Đại diện Công ty CP Thanh Tân thẳng thắn, có nhiều cơ quan quản lý môi trường về kiểm tra cơ sở: từ Tổng cục môi trường đến thanh tra thuộc Bộ, sở tài nguyên môi trường, cảnh sát môi trường... do đó cần xem xét lại. “Hiện 2 điểm nước khoáng của chúng tôi xuất lộ như vậy nhưng vẫn quy định 6 tháng phải vẽ bản đồ địa hình một lần, điều này buộc DN phải áp dụng việc thay đổi ngày tháng vào bản đồ chứ không thể vẽ lại như DN khai thác khoáng sản rắn được”, vị này nêu.

Chờ tháo gỡ 

Tại hội thảo, liên quan đến những vấn đề DN đề xuất, kiến nghị, đại diện các sở, ngành liên quan đã có câu trả lời, trong đó, với đề xuất của Công ty CP Khách sạn Hoàng Cung, sở KH&ĐT cho biết, DN này có quyền đăng ký kinh doanh trò chơi có thưởng nhưng chỉ được kinh doanh tại địa điểm đăng ký chứ không được đưa đi nơi khác hoạt động.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh văn phòng Sở Du lịch cho biết thêm, quy định về tiêu chuẩn bể bơi hiện đang áp dụng cho khách sạn đúng là hơi quá, “vấn đề này chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều lần với thanh tra Bộ và có văn bản kiến nghị lên cấp cao hơn. Ông Sanh cho biết, Thừa Thiên Huế hiện chỉ có một trường đủ điều kiện đào tạo lại chứng chỉ cho lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa, trong khi chúng ta có đến 2.000 hướng dẫn viên, do đó, làm gì thì làm, cố gắng hết năm 2018 này, trên địa bàn phải có ít nhất 3 trường có đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn để các DN du lịch đang thiếu các loại chứng chỉ đến đó để cập nhật bổ sung. Ngoài ra, các nhà hàng trong khách sạn đã được xếp hạng sao không nằm trong đối tượng phải chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Không biết trong tương lai quy định bể bơi có được đính kèm như thế không, nếu có thì đây là hướng mở cho các DN du lịch”, ông Sanh nói.

Theo đại diện Sở Công Thương, trong quy định bán lẻ tiêu dùng tại chỗ thì không yêu cầu có giấy chứng nhận hợp quy của các loại rượu, cái này các DN liên hệ trực tiếp với phòng Kinh tế hạ tầng để đề nghị họ làm theo quy định 105.

Liên quan đến vấn đề hoạt động thể dục thể thao trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn phải có giấy phép con, đại diện sở Văn hóa Thể thao cho rằng, cái này có quy định cụ thể và 22 danh mục thuộc sở Văn hóa thể thao cấp phép hiện tỉnh đã ban hành và thủ tục này hết sức đơn giản. Các DN sau khi hoàn tất các hồ sơ thủ tục theo quy định, trong vòng 7 ngày chúng tôi sẽ thẩm định và cấp phép, nếu không cấp sẽ có ý kiến trả lời.

Về vấn đề này, Giám đốc sở KH&ĐT Phan Thiên Định cho rằng, tuy sở Văn hóa Thể thao trả lời như thế nhưng vẫn cần kiến nghị với UBND tỉnh có thể bỏ đi giấy phép này hoặc làm sao để đơn giản hơn để giảm phiền hà cho DN.

Kết luận tại hội thảo, Giám đốc sở KH&ĐT Phan Thiên Định khẳng định, những vấn đề đã trao đổi, kiến nghị tại hội thảo, sở sẽ tập hợp lại và báo cáo UBND tỉnh để có định hướng giải quyết cụ thể. “Chúng ta nói vướng cứ vướng mắc và nói theo luật trong khi thực tế không đáp ứng được yêu cầu cho DN, nếu chúng ta không giải quyết được thì đó là sự trì trệ của lãnh đạo tỉnh nói chung và các sở ngành nói riêng. Tinh thần của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành mong muốn các DN có ý kiến mạnh mẽ và tỉnh sẽ cùng đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn”.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Giá Glenlivet Founder'S Reserve chính hãng
Return to top