|
Nguồn vốn của các ngân hàng được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên |
Nợ nhóm 2 tăng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, tính đến 31/12/2023, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn ở mức 1.057 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn đang được kiểm soát an toàn ở mức 1,34% cao hơn mức tỷ lệ 0,72% vào thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu đã bán qua VAMC chưa thu được là 83,3 tỷ đồng, như vậy tính cả nợ xấu nội bảng và đã bán qua VAMC thì tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn đang ở mức 1,44%.
Chất lượng tín dụng đối với nợ nhóm 2 theo báo cáo phân loại nợ của các ngân hàng thương mại, tổng nợ nhóm 2 ở mức 1.343 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng nợ là 1,83%. Riêng trong quý I/2024 chất lượng tín dụng cũng không mấy khả quan khi tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,71%. Nợ nhóm 2 và nợ tiềm ẩn nợ xấu của các TCTD tăng mạnh tạo nên rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Theo lý giải của NHNN tỉnh, áp lực nợ xấu gia tăng bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu. Trong đó, tình hình kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đã suy yếu khả năng tài chính sau hơn 2 năm đối phó với đại dịch. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém cũng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ của các TCTD.
Ngoài ra, tình hình nợ xấu tăng cao một phần cũng xuất phát từ công tác thẩm định, đánh giá khách hàng trước khi cho vay, theo dõi tình hình khách hàng sau cho vay của một số TCTD chưa tiến hành chặt chẽ.
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp
Nợ xấu tăng không chỉ phản ánh khả năng thu hồi vốn khó khăn, mà tỷ lệ này càng cao còn chứng tỏ cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp sẽ mất đi. Bởi, khi doanh nghiệp có nợ xấu nhảy sang nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn là nợ quá hạn 91 đến 180 ngày) thì theo quy định sẽ không được cấp tín dụng nữa.
Điều này được phản ánh phần nào khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua. Dù các ngân hàng đã áp dụng lãi suất khá thấp, nhiều chương trình tín dụng ngắn hạn lãi suất dưới 5%/năm, song khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện vẫn rất thấp. Bằng chứng là tổng dư nợ tín dụng trong quý I/2024 trên địa bàn chỉ đạt 77,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,46% so với cuối năm 2023.
Để nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, NHNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác giám sát an toàn vi mô; giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cấp tín dụng trong cùng một hệ sinh thái của ngân hàng, cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng ngoài địa bàn, hoạt động cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đại lý bảo hiểm… nhằm phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật. Chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng khi phát hiện có biến động bất thường trong hoạt động của TCTD.
NHNN tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các chi nhánh TCTD có tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 ở mức cao, qua đó chỉ đạo chặt chẽ các chi nhánh TCTD và yêu cầu hội sở các TCTD đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi nợ xấu cũng như ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả quy định về gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng vừa hạn chế phát sinh nợ xấu ở các TCTD. Tính đến cuối tháng 2/2024, các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 421 lượt khách hàng tổng số dư nợ gốc và lãi của khách hàng được cơ cấu là 1.015 tỷ đồng. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, mà còn có thể tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, để vừa hài hòa được mục tiêu tăng trưởng tín dụng vừa hạn chế phát sinh nợ xấu, các tổ chức tín dụng phải thực hiện tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng… Tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động.
Đồng thời, các TCTD phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình khách hàng, khả năng trả nợ; tăng cường công tác thẩm định, kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định.
Mới đây, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, tức tới cuối năm 2024 thay vì chỉ đến 6/2024 được cho là một tín hiệu tích cực nhằm giảm thiểu áp lực nợ xấu cho các TCTD. Theo đó, các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ) trong khoảng thời gian 1 năm từ ngày khoản nợ đến hạn. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian cơ cấu, sắp xếp điều hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời tăng khả tăng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.