Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đánh chiêng khai mạc Phiên Giao dịch việc làm đầu năm 2023
Nhiều sự lựa chọn
Trong số 28 DN tham gia tuyển dụng, có 17 đơn vị tuyển dụng làm việc trong nước với hơn 2.500 lao động trong các ngành: Dệt may, sản xuất ô tô, hỗ trợ giáo dục, sản xuất thiết bị điện tử và bán dẫn, du lịch, đào tạo, công nghệ thông tin, cơ khí...
Có 9 đơn vị tuyển dụng đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hunggary, Rumani… với số lượng 1.120 lao động và 2 đơn vị tuyển sinh trong nước.
Trong số gần 4.000 vị trí cần tuyển, yêu cầu trình độ sơ cấp nghề cao nhất, với gần 1.800 người; lao động phổ thông 1.630 người; trung cấp 179 người; cao đẳng và đại học trở lên hơn 300 người.
Tư vấn, tuyển dụng các vị trí đi làm việc ở Nhật Bản cho người lao động
Một số DN có nhu cầu tuyển lao động lớn trong ngành may xuất khẩu như Công ty TNHH MTV Hanex Huế cần tuyển 530 người, trong đó 500 lao động có trình độ sơ cấp nghề. Công ty Scavi Huế cần tuyển 369 lao động, trong đó 300 lao động phổ thông, còn lại ở các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Công ty TNHH Scavi Med cần tuyển 303 người, trong đó 300 người có trình độ sơ cấp nghề. Ngoài ra, Công ty CP Kim Long Motors Huế mới đi vào hoạt động cần tuyển 403 người, trong đó 314 sơ cấp nghề và 89 cao đẳng, đại học trở lên.
Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, phiên GDVL đầu năm có ý nghĩa hết sức thiết thực, là một trong số những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nhất là để hỗ trợ các DN và người lao động sau đại dịch COVID-19. Thời điểm tổ chức phiên giao dịch này cũng rất phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người đi làm ăn xa sau khi về quê đón Tết Nguyên đán có thể thay đổi quyết định ở lại quê hương xin việc, ổn định cuộc sống tại quê nhà.
Kết nối cung- cầu lao động
Phiên GDVL không chỉ tạo môi trường kết nối giữa DN và người lao động, mà đây còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động. Từ đó, nhiều lao động trẻ có thể học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động.
Phiên giao dịch việc làm là cơ hội để nhiều bạn trẻ tìm kiếm, lựa chọn công việc phù hợp cũng như đơn vị tuyển dụng tìm được lao động
Tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã có những tín hiệu khởi sắc, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế đang dần hồi phục sau COVID-19.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hơn việc thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường lao động, cả ngắn hạn và dài hạn. Nhất là đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động đưa lao động ra ngước ngoài làm việc theo hợp đồng. Kết nối chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của DN. Nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung của các phiên giao dịch việc làm theo hướng chuyên sâu, theo nhóm nghề cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối, cân bằng cung - cầu lao động.
Để hoạt động giao dịch việc làm có hiệu quả, theo ông Hồ Dần, bên cạnh duy trì, đổi mới trong tổ chức khoảng 40 phiên GDVL cố định và lưu động hằng năm, cần có sự phối hợp giữa đơn vị giới thiệu việc làm với các đơn vị, DN trong xây dựng các chương trình kế hoạch phù hợp để thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giải quyết khoảng 17.000 việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023, cũng như hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo của tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG