ClockThứ Bảy, 25/05/2024 10:09

Hỗ trợ doanh nghiệp: Chỉ đồng hành bằng chính sách là chưa đủ

TTH - Thực tế hoạt động đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được phản ánh khá rõ trong chỉ số thành phần về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp cho hiệu qủa Thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnhXúc tiến đầu tư: Bắt đầu từ sự gắn kết chính quyền - doanh nghiệp

 Các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp được triển khai liên tục

Đổi mới từ những điều nhỏ

Theo bà Nguyễn Thị Đoan Trang, chủ doanh nghiệp Thêu may Đoan Trang, nếu trước đây doanh nghiệp muốn tiếp cận các chính sách hỗ trợ phải tự tìm hiểu và tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chuyên trách. Thì nay, chính những cán bộ chuyên môn là những người trực tiếp đến với từng doanh nghiệp (trực tiếp thông qua các diễn đàn, hoạt động kết nối; gián tiếp thông qua các khảo sát, nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp)… chia sẻ những chính sách và cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách một cách tốt nhất.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động hỗ trợ này chính là các hoạt động đào tạo doanh nghiệp được tổ chức liên tục và theo từng chuyên đề khác nhau, bám sát vào nhu cầu của doanh nghiệp hơn.

Tuy nhiên, có theo sát các chương trình đào tạo được tổ chức mới thấy được sự đồng hành của chính quyền không là chưa đủ, mà phải có sự đồng hành từ các cán bộ chuyên môn. Đây là một trong những thành tố nền tảng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong suốt gần 3 năm theo học các khóa đào tạo doanh nghiệp do  Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, điều tôi khâm phục chính là có rất nhiều cán bộ chuyên viên của Sở cũng theo sát quá trình học, hầu như không vắng buổi nào, đến trước giờ doanh nghiệp đến và về sau khi kết thúc buổi học. Điều đặc biệt, các khóa đào tạo này đều diễn ra vào các ngày cuối tuần.

Tôi thường đùa với các anh, chị rằng: “Anh, chị định làm doanh nghiệp hay sao mà học siêng không thua gì doanh nghiệp vậy” thì nhận được những tiếng cười kèm câu trả lời “Học cùng doanh nghiệp để hiểu hơn về hoạt động của doanh nghiệp cũng là cơ hội tiếp cận nắm bắt thông tin nhu cầu và những khó khăn của doanh nghiệp để có thể đề xuất các giải pháp đồng hành phù hợp hơn”.

Thế mới biết, đồng hành bằng chính sách là chưa đủ.

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, hoạt động hỗ trợ đã đánh đúng tâm lý doanh nghiệp hơn. Nhất là trong 2 năm 2022 - 2023, nhu cầu tiếp cận tín dụng tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp lại gặp khó trong quá trình tiếp cận tín dụng. Những bàn tròn tiếp cận tín dụng gắn kết doanh nghiệp và ngân hàng được sở tổ chức với quy mô lớn có, nhỏ có tạo nên những nhịp cầu kết nối vốn cho ngân hàng, doanh nghiệp. Nhiều buổi ký kết hợp đồng tín dụng được tổ chức nhờ sự kết nối này.

Tăng tương tác trong hoạt động hỗ trợ

Sự đồng hành đó đang được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận rõ nhất thông qua những chỉ số thành phần của chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bộ chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Theo đó, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã tăng 17 bậc so với năm trước, dù vị trí xếp hạng chỉ số thành phần này không cao, song đó là bước tiến không nhỏ trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo bảng công bố, chỉ số này có 13 chỉ số con, hầu hết các chỉ số đều nằm ở vị trí trung vị, trong đó có 3 chỉ số được doanh nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, Thừa Thiên Huế xếp thứ 10/63 tỉnh thành là chỉ số thuận lợi khi thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTAs. Việc tiếp cận các chương trình đào tạo, tập huấn về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cũng được đánh giá thuận lợi và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, việc tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh cũng được đánh giá dễ tiếp cận và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá các chỉ số thành phần PCI cũng cho thấy, bên cạnh doanh nghiệp đánh giá cao về thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTAs thì việc chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan Nhà nước địa phương lại bị doanh nghiệp đánh giá thấp. Hoặc việc tiếp cận các chương trình đào tạo, tập huấn về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp được doanh nghiệp đánh giá cao thì thủ tục tiếp cận hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp lại bị đánh giá thấp…

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng 17 bậc so với năm trước, nhưng một số biện pháp trong cải thiện chỉ số được thực hiện trong năm 2023 chưa thực sự phát huy tác dụng và nhận được sự đồng thuận, ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cần phải có giải pháp, đặc biệt là công tác truyền thông, phổ biến thủ tục tiếp cận hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA,… trong thời gian tới.

Với quan điểm mỗi đánh giá không tốt của doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà tỉnh cần phải nỗ lực khắc phục. Thời gian tới, Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các chỉ số con đang ở mức thấp như: chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan Nhà nước địa phương; khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật; thủ tục tiếp cận hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để hỗ trợ đồng hành tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời bám sát nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp để có những chương trình, phương án hỗ trợ phù hợp.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hy vọng có thêm nhiều chính sách an sinh đột phá

Cùng niềm phấn khích khi Huế sang trang mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động thêm hy vọng sẽ có những đột phá về chính sách an sinh, tiền lương để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên.

Hy vọng có thêm nhiều chính sách an sinh đột phá

TIN MỚI

Return to top