ClockThứ Bảy, 18/11/2017 05:51

Hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa

TTH - Việc hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá khai thác vùng biển xa của tỉnh thực hiện theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển.

Ngư dân Phú Vang chuẩn bị vươn khơi

Hỗ trợ 4 chuyến biển/năm 

Đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh quyết định trích trên 10 tỷ đồng từ nguồn bổ sung ngân sách thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa cho ngư dân các huyện Phú Vang, Phú Lộc. Trong đó, huyện Phú Vang được cấp gần 9,425 tỷ đồng và Phú Lộc hơn 850 triệu. Các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục để cấp kinh phí hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian sớm nhất. Trong tháng 6/2017, UBND tỉnh cũng đã có quyết định cấp 5 tỷ đồng cho hai huyện trên để hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước khi tỉnh có quyết định hỗ trợ kinh phí, sở phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, nắm bắt các tàu đánh bắt trên các vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thông qua hệ thống định vị, sau đó báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, các tàu có đăng ký thường xuyên bám vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu, thiết bị thông tin liên lạc theo quyết định của tỉnh. Số tàu được hưởng chính sách hỗ trợ trong đợt này khoảng 70 chiếc. Tính từ khi có Quyết định 48 của Chính phủ đến nay, có hàng trăm tàu được hỗ trợ nhiên liệu, kinh phí ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Ngư dân Phú Thuận trúng đậm cá nục

Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ nhiên liệu khai thác vùng biển xa (HTNLKTVBX), mỗi tàu cá tham gia đánh bắt được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển đối với tàu có công suất từ 90 CV-150 CV được hỗ trợ 22 triệu đồng; từ 150 CV- 250 CV hỗ trợ 30 triệu đồng; từ 250 CV- 400CV hỗ trợ 55 triệu đồng; từ 400 CV-700 CV hỗ trợ 75 triệu đồng; từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng. Thời gian hỗ trợ kể từ năm 2012. 

Hàng trăm lượt tàu đến Hoàng Sa, Trường Sa

Điều kiện tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu khai thác vùng biển xa gồm: Các tàu hoạt động khai thác trên biển tính từ lúc tàu rời cảng cá ra ngư trường khai thác, hoặc dịch vụ khai thác hải sản cho đến khi tàu về cảng cá có thời gian không dưới 15 ngày. Tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, gồm các tàu cá có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định, như: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa...

Theo ông Trần Dũng ở thị trấn Thuận An, mỗi chuyến biển kéo dài từ 15-20 ngày, chi phí xăng dầu vài chục triệu đồng. Vươn đến vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì chi phí này có thể lên đến 30-40 triệu đồng. Từ khi có chương trình HTNLKTVBX, ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển.

Ông Dũng chia sẻ: "Được hỗ trợ nhiên liệu bà con rất vui và mạnh dạn vươn khơi, bám biển dài ngày. Kinh phí hỗ trợ cũng được cấp trên giải ngân, phân bổ kịp thời, tạo thuận lợi cho ngư dân trong quá trình khai thác, cho hiệu quả cao hơn". Đánh bắt hiệu quả giúp hộ ông Trần Dũng có nguồn tích lũy hàng tỷ đồng làm vốn đối ứng để vay đóng mới tàu vỏ thép công suất trên 820 CV theo Nghị định 67, giá trị trên 18 tỷ đồng. Tàu vừa được hạ thủy, sẽ có chuyến biển đầu tiên, dự định vươn đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. "Tàu bám các ngư trường lớn sẽ khai thác có hiệu quả hơn và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Dũng khẳng định.

Nhiều ngư dân cho biết, đánh bắt ở ngư trường xa thu được các loại cá có giá trị kinh tế. Nhiều chuyến biển gần đây, các tàu có công suất lớn (trên 400CV) thu hàng trăm triệu đồng/chuyến với  nghề lưới vây, lưới mành, lưới rê... Hiệu qủa mỗi chuyến biển xa tăng hàng chục lần so với phương thức, ngư lưới cụ thô sơ đánh bắt gần bờ, trung bờ. Các tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản cũng được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu để bám biển thường xuyên, sát cánh cùng tàu cá để cung cấp nhiên liệu, thu mua, vận chuyển hải sản vào bờ kịp thời.

Theo Sở NN&PTNT, hiện cả tỉnh có khoảng 386 tàu đánh bắt  xa bờ, với hàng trăm lượt tàu đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản. 

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác biển đạt gần 30 ngàn tấn, chiếm 90% sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

TIN MỚI

Return to top