Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Theo ông Nguyễn Đại Vui, trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, việc thu hút các nguồn vốn để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng vốn có của quốc gia là một yêu cầu bức thiết đặt ra ở hầu hết các địa phương. Đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang trong giai đoạn phát triển cần nhiều nguồn lực về vốn, công nghệ, công nghệ quản lý... Xúc tiến đầu tư được xem là công cụ hữu hiệu nhằm tăng cường thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cùng phát huy những tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế.
Ông có thể chia sẻ về những “chướng ngại vật” trong công tác thu hút đầu tư hiện nay?
Thu hút đầu tư vào Thừa Thiên Huế không có chướng ngại nào, chỉ do một số yếu tố khách quan và chủ quan nên tạo ra một số vướng mắc trong công tác thu hút đầu tư và triển khai dự án (DA). Ví như, hệ thống quy hoạch dù đã được lập nhưng chưa được tích hợp nên các vị trí kêu gọi đầu tư thường bị ảnh hưởng nhiều quy hoạch làm chậm tiến độ trong việc hoàn thành các thủ tục đầu tư, cũng như chưa phát huy được tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ (hàng đầu, bên phải) kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao ở Phong Điền. Ảnh: NGỌC MINH
Công tác tham mưu, phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa thống nhất, đồng bộ do quy định giữa các luật vẫn còn sự chồng chéo và chưa thống nhất giữa các bộ luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... Các DA khởi công chậm, nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là với các DA thuộc đối tượng thực hiện thỏa thuận để bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hai năm 2020 và 2021 chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà đầu tư ở nước ngoài không về được Việt Nam, gây khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư đầu tư. Dòng tiền của một số nhà đầu tư, theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Thế nên sẽ có những thay đổi trong chủ trương, quan điểm đầu tư phải không, thưa ông?
Theo dự báo và nắm bắt xu thế để thu hút đầu tư, nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng trầm trọng và sẽ kéo dài sang các năm tiếp theo bởi dịch COVID-19; các công ty đa quốc gia đang dần dịch chuyển đầu tư đến các quốc gia an toàn, tin cậy, có hạ tầng phát triển, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang có cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Kiểm tra đốc thúc từng dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: NGỌC MINH
Vì thế, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút các DA công nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng, chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sản xuất, lắp ráp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng, lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các nhà đầu tư đang triển khai DA, các nhà đầu tư đang hoạt động nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Hình thành hệ thống các khu công nghiệp gắn với phát triển các đô thị, hạ tầng xã hội góp phần phát huy hiệu quả xúc tiến đầu tư.
Đồng thời, kêu gọi đầu tư nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; an sinh xã hội, giáo dục đào tạo...
Và phương án xúc tiến đầu tư cũng sẽ có những thay đổi?
“Trong 2 tháng đầu năm, tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 475,1 tỷ đồng. Công tác bổ sung danh mục DA kêu gọi đầu tư và công bố thông tin DA kêu gọi đầu tư được quan tâm. Đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 DA, trong đó, có 16 DA được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư là những kết quả bước đầu tạo động lực trong công tác đầu tư và kêu gọi đầu tư năm 2021”
|
Năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút 32 DA đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 10.535 tỷ đồng. Thời gian này được xác định là thời gian nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh. Dó đó, các phương án xúc tiến đầu tư đề xuất được thay đổi, điều chỉnh để thích ứng với tình hình thực tế, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Qua triển khai công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cho thấy, việc “chăm sóc” tốt các nhà đầu tư hiện tại, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay.
Do đó, sắp tới tỉnh tập trung hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ khởi công các DA đã cấp phép. Đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục cho các DA phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách có tác động lớn đến tình hình KT-XH của tỉnh. Cùng với đó, công tác rà soát các DA chậm tiến độ để có phương án thu hồi, xử lý dứt điểm các DA chậm tiến độ cũng được chú trọng.
Định hướng quan trọng nhất trong đầu tư và kêu gọi đầu tư trong năm nay là gì, thưa ông?
Kế thừa những thành quả đã đạt được trong những năm qua, năm 2021 sẽ đánh dấu một năm quan trọng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai DA. Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh sẽ phấn đấu thu hút vốn đầu tư đạt khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Ông có thể dự báo về những thuận lợi trong thu hút đầu tư khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vai trò, vị trí của Thừa Thiên Huế, nêu bật được những tiềm năng, thế mạnh, giá trị nổi bật về thiên nhiên, văn hóa, con người Huế để đề xuất các định hướng phát triển phù hợp. Nghị quyết ban hành là một động lực mới trong thu hút, kêu gọi các đầu tư trong và ngoài nước cùng nhau xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Xin cảm ơn ông!
SƠN PHAN (Ghi)