|
Nhiều khu TĐC xây dựng trước góp phần GPMB các dự án, tạo động lực phát triển KT-XH tại huyện Phong Điền |
Tháo nhiều điểm “nghẽn”
Không riêng ở Thừa thiên Huế, thời gian qua không ít DA phát triển KT-XH vướng GPMB do TĐC chậm, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng. Vướng mắc này đã kéo theo tiến độ thực hiện DA không theo kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư chậm, chưa bảo đảm an cư cho người dân, hiệu quả KT-XH của DA giảm.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế, đơn vị được giao phụ trách thực hiện GPMB và hỗ trợ TĐC các DA lớn cho rằng, thời gian qua, nhiều DA không bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng vì TĐC chậm. Lãnh đạo này lý giải, đáng lý trước khi thu hồi đất của cá nhân, tổ chức phải có hạ tầng TĐC, nhưng hạ tầng này thường đi sau dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ để giao đất thực hiện DA gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như các DA đường Phú Mỹ - Thuận An vừa qua và DA đường và cầu vượt biển Thuận An đang triển khai các địa phương đã thu hồi đất, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhiều hộ dân nhưng nhiều trường hợp chưa có đất để TĐC.
Không chỉ ở địa bàn TP. Huế, các huyện, thị có DA xây dựng TĐC đã làm lễ khởi công nhưng chưa triển khai; có DA đang chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu và xin chủ trương cấp ngành liên quan mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nên mất nhiều thời gian.
Lãnh đạo Công ty Xây dựng Thành Đạt, đơn vị nhà thầu đang thi công DA đường Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền) cho rằng, TĐC chậm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ DA và chủ đầu tư, đơn vị thi công, người dân đều bị thiệt. Phía đơn vị thi công dù đã huy động nhân, vật lực mà thiếu mặt bằng để thi công rất lo lắng vì càng kéo dài càng bị đội chi phí. Chủ đầu tư thì không giải ngân được vốn, tốn thêm chi phí hỗ trợ người dân thuê nhà trọ trong thời gian chờ TĐC; còn người dân thì phải đi thuê nhà trọ, ở nhờ nơi khác...
Trong các hội nghị sơ, tổng kết của ngành TN-MT cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB các DA thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA. Một trong các nguyên nhân là việc giải quyết bố trí TĐC và xác định nghĩa vụ tài chính tại các khu TĐC còn lúng túng, bất cập. Đầu tư xây dựng một số khu TĐC còn chậm, một số khu TĐC chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kịp thời để chủ động bố trí, di dời các trường hợp bị thu hồi đất…
|
Dự án cầu vượt sông Hương đang đẩy nhanh tiến độ, nhờ người dân ủng hộ, hưởng ứng công tác GPMB tại khu vực Phường Đúc, TP. Huế |
Tái định cư phải đi trước
Đầu năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025 đã thể hiện người có đất bị thu hồi được xem xét TĐC trước khi thu hồi đất. Cụ thể, luật quy định người có đất ở bị thu hồi để thực hiện DA đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì được bồi thường bằng đất ở, nhà ở tại chỗ. Trường hợp thu hồi đất ở để thực hiện các mục đích khác thì được bồi thường bằng đất ở, nhà ở tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có quỹ đất, quỹ nhà TĐC...
Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết nêu, đối với TĐC phải dành vị trí thuận lợi nhất cho người có đất bị thu hồi, bảo đảm người dân phải di dời chỗ ở có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Dịp tổng kết ngành TN-MT toàn tỉnh năm 2024, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đã nỗ lực xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, GPMB các DA trọng điểm của quốc gia và địa phương, như Nhà ga T2, Cảng HKQT Phú Bài, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đường Nguyễn Hoàng cầu vượt sông Hương; đường Phong Điền - Điền Lộc; đường Phú Mỹ - Thuận An… Tuy nhiên tiến độ GPMB, bàn giao đất một số DA chưa theo đúng kế hoạch.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các địa phương bố trí quỹ đất, làm sẵn hạ tầng các khu TĐC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DA thu hồi đất. Việc triển khai dự án hạ tầng TĐC phải bảo đảm nguyên tắc nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành chỉ thị, kế hoạch về việc đẩy nhanh bồi thường, GPMB các công trình, DA trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương trong việc đảm bảo TĐC cho người bị thu hồi đất. Trong đó, Sở Xây dựng xác định vị trí, quy mô các khu TĐC phù hợp với quy hoạch phát triển chung của địa phương, khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các khu TĐC theo quy định. UBND các huyện, thành phố rà soát, chủ động bố trí nguồn vốn, quỹ đất, thủ tục liên quan, nhanh chóng đầu tư xây dựng khu TĐC trước khi thực hiện bồi thường, GPMB để thực hiện các DA. Việc thu hồi đất chỉ thực hiện sau khi bố trí đất TĐC và hoàn thành xây dựng nhà ở ổn định.
Đến nay, các DA ở địa phương đã, đang thực hiện bố trí TĐC làm người dân thuộc diện bị thu hồi đất ủng hộ, hưởng ứng cao, như mở rộng, chỉnh trang đường Hà Nội; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường vành đai 3…