ClockChủ Nhật, 16/12/2018 16:34

“Huế cần có sự hỗ trợ của chính phủ”

TTH - PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh điều đó khi trao đổi với chúng tôi về việc Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích Kinh thành.

Tập trung nguồn lực di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam 

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thừa Thiên Huế và cả nước. Từ nhiều năm trước, việc di dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế đã được Thừa Thiên Huế đưa vào quy hoạch. Vì vậy, việc quan trọng của Thừa Thiên Huế là tập trung các nguồn lực để thực hiện, an dân và hạn chế tình trạng cảnh quan môi trường bị tác động trực tiếp do cuộc sống của hàng ngàn con người.

Có ý kiến cho rằng, người dân sống trong di tích cũng là một phần của di sản. PGS.TS nghĩ thế nào về quan điểm đó?

Trước đây, khi lập Hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận quần thể di tích Huế là “Di sản Văn hóa Thế giới” (được công nhận năm 1993), chúng ta đã cam kết với UNESCO việc gìn giữ sự toàn vẹn của di sản. Ban đầu chúng ta thực hiện cam kết đó theo quan điểm giải tỏa hết những gì không thuộc công trình di sản. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế và tình hình thực tế, quan điểm đó có thể không còn phù hợp. Với các eo bầu trên Kinh thành, tôi nghĩ nếu dân cư được điều tiết hợp lý, đảm bảo cân bằng sinh thái thì sẽ là một phần sinh động cho công trình di tích này. Riêng Thượng Thành, nếu chúng ta không giải tỏa dân cư nghĩa là đã không thực hiện đúng cam kết với UNESCO về việc gìn giữ sự toàn vẹn của di sản.

Theo tôi, đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích Kinh thành khi được triển khai hoàn thành sẽ giải quyết được 2 việc. Đó là thể hiện Chính phủ Việt Nam thực hiện có trách nhiệm với UNESCO về việc đảm bảo tính toàn vẹn của di sản. Thứ hai, đem lại cho người dân cuộc sống tốt hơn, giải thoát cảnh sống dựa vào di sản và xâm hại di sản. Vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương phải đảm bảo đưa người dân đến nơi ở mới có điều kiện sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ.

Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng người dân đều ủng hộ nỗ lực của Thừa Thiên Huế, nhưng nguồn vốn còn khó khăn. PGS.TS có thể chia sẻ gì với Huế?

Thừa Thiên Huế đã đặt vấn đề quy hoạch, giải tỏa dân cư khỏi khu vực I, di tích Kinh thành Huế từ rất sớm nhưng vì nhiều lý do, đến nay vấn đề đó vẫn chưa thực hiện xong. Thật khó để chấp nhận một đô thị du lịch như Cố đô Huế mà vẫn còn bộ phận dân cư phải sống trong điều kiện nhà ở tối tăm, chật hẹp trên một công trình di tích quan trọng và ở ngay trung tâm đô thị.

Khi nhìn về số vốn Thừa Thiên Huế cần phải huy động để thực hiện, nhiều người có thể so sánh này nọ. Bất kể như thế nào cũng không thể cho rằng một công trình di sản văn hóa ít quan trọng hơn một công trình giao thông hay thủy lợi để tính toán ít nhiều và xem xét thứ tự ưu tiên. Với đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích Kinh thành, không chỉ là vấn đề đảm bảo tính toàn vẹn cho cả một Di sản văn hóa thế giới, mà quan trọng hơn nữa là đảm bảo an dân cho hàng chục ngàn lượt người. Dự án này quan trọng và ý nghĩa ở chỗ cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu, cả về văn hóa, xã hội và kinh tế. Vì vậy, Thừa Thiên Huế cần được ủng hộ để dự án được triển khai thực hiện và hoàn thành sớm.

Mặt tiền Kinh thành Huế

Quyết tâm rất cao nhưng để tập trung được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của dự án, với Thừa Thiên Huế là vấn đề không dễ dàng, ông có nghĩ thế không?

Tôi hiểu điều đó và tôi nghĩ, Kinh thành Huế là một phần của di sản văn hóa thế giới của đất nước Việt Nam nên Nhà nước chắc chắn phải hỗ trợ cho Huế bằng cách này hay cách khác, như: cân đối lại phần ngân sách mà địa phương đã đóng góp qua ngành du lịch. Vừa qua, tôi có nghe thông tin Chính phủ “gợi ý” một trong các kênh để Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực thực hiện đề án là “trích một phần từ nguồn thu bán vé tham quan di tích”. Tôi cho rằng, điều đó không hợp lý.

Điều đó nằm ở chỗ, Luật Di sản văn hóa đã xác định “các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa” là một trong những nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hàng năm, phần vốn Nhà nước hỗ trợ Huế tu bổ di tích và phần kinh phí Huế cân đối nguồn thu từ vé tham quan, cũng chưa đủ để Huế cứu vãn di sản, giờ nguồn thu vé tham quan lại phải trích để thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng di tích, chắc chắn Huế sẽ càng khó khăn hơn. Tôi nghĩ, Nhà nước cần phải bàn thêm việc hỗ trợ ngân sách để Huế thực hiện đề án và vấn đề này cần thiết phải thông suốt từ cấp Trung ương.

Là người luôn đồng hành cùng Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực văn hóa di sản, Cố đô Huế còn điều gì khiến PGS.TS trăn trở?

Tôi nghĩ, đó là việc sao lâu quá chưa thấy Huế đề cử lần hai về giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa Huế, trong đó có giá trị văn hóa của hệ sinh thái đôi bờ sông Hương. Thời điểm đầu những năm 1990, vì tranh thủ đưa Huế trở thành Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam càng sớm càng tốt, chúng tôi đã tạm để lại phần cảnh quan văn hóa sinh thái đôi bờ sông Hương, dù giá trị ấy của Huế hoàn toàn xứng đáng là giá trị nổi bật toàn cầu. Đã mấy chục năm trôi qua, Huế vẫn chưa tiếp tục làm hồ sơ đệ trình lần hai cho giá trị ấy. Điều đó thật đáng tiếc.

Xét về sự hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo với thiên nhiên, thì cả nước không có đô thị nào sánh được với Huế. Đó là giá trị riêng có mà nhiều nơi mơ cũng không được. Từ thời các vị chúa Nguyễn, vua Nguyễn khi xây dựng kinh đô và cả quy hoạch của người Pháp khi đặt chân đến thành phố này, người ta đã có ý thức rất tôn trọng thiên nhiên và luôn cố gắng tôn tạo cho cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương càng ngày càng đẹp hơn. Huế cần tiếp tục kế thừa truyền thống đó để thực hiện một cách hài hòa và phù hợp các ý tưởng quy hoạch hiện nay.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, di tích Kinh thành Huế”, giai đoạn 2019 - 2025, Thừa Thiên Huế sẽ di dời 4.201 hộ dân ra khỏi di tích, với tổng kinh phí khoảng 2.735 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2019 - 2021) di dời 2.938 hộ (gần 11.000 nhân khẩu), kinh phí 1.880 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2022 - 2025) di dời 1.263 hộ, kinh phí khoảng 855 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế đã đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng cả hai giai đoạn và cho phép áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù...

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Return to top