ClockThứ Năm, 08/08/2024 06:54

Huế - Thành phố của 1 triệu chiếc xe đạp

TTH - Đó là một cái tít báo có tính mơ ước của gần 20 năm trước, khi lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận với thông tin Amsterdam, một thành phố nổi tiếng của Hà Lan có tỷ lệ người đi xe đạp cao nhất thế giới thời điểm ấy. Nhưng giờ thì giấc mơ Huế có 1 triệu chiếc xe đạp – dù chỉ là con số biểu trưng - đang dần thành sự thật.

Hoàn thiện hạ tầng cho thành phố xe đạpPhát triển giao thông xanh

 Người dân tải app HueSmartBike để sử dụng dịch vụ xe đẹp. Ảnh: N. Hòa

Thành phố xe đạp đầu tiên của cả nước

Thời điểm của 20 năm trước, dĩ nhiên giao thông ở Huế và cả nước không phải như bây giờ, nên chúng tôi chỉ ước và nghĩ đơn thuần một điều là chỉ cần thay đổi suy nghĩ và văn hóa giao thông, thay vì đi xe máy thì mỗi gia đình nên sắm vài ba cái xe đạp để di chuyển. Và thế là Huế bỗng dưng sẽ thành thành phố của 1 triệu chiếc xe đạp.

Thật ra thì mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Với giao thông hiện đại, người dân muốn đi xe đạp thì trước hết, chính quyền, ngành giao thông phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng tương ứng. Và trong hành trình xây dựng “thành phố xanh” và “giao thông xanh” của mình, Huế có thể nói là thành phố đầu tiên của cả nước đã và đang đặt ra những lộ trình và mục tiêu đầy tham vọng cho việc này.

Đầu tiên, Huế dành một phần vỉa hè ở nhiều tuyến đường trong thành phố cho người đi xe đạp. Đây là giải pháp đã được nhiều thành phố lớn trên thế giới thực hiện thành công, văn minh vừa khuyến khích người dân đi xe đạp vừa tạo nên một thành phố xanh và thân thiện với môi trường.

Tiếp đến, Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố xe đạp đặc trưng, đầu tiên của cả nước. Bằng cách vạch ra các loại hình cho mạng lưới đường xe đạp, như: Làn dành riêng cho xe đạp, đường xe đạp đi chung; đường xe đạp cảnh quan, đường ưu tiên cho xe đạp và đi bộ; đường cao tốc xe đạp. Phân tách, tạo làn ưu tiên cho xe đạp trên các tuyến đường chính, triển khai nhiều giải pháp cải thiện an toàn giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên, tăng tính nhận diện làn ưu tiên cho xe đạp; bố trí nhà để xe đạp, giá để xe đạp.

 Khách du lịch quét mã QR qua app HueSmartBike để sử dụng xe đạp. Ảnh: Bảo Phước

Đặc biệt, Huế đang hoàn thiện “Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở hạ tầng và kế hoạch triển khai các tuyến xe đạp khu vực TP. Huế và vùng phụ cận”. Với mục tiêu đưa thành phố Huế trở thành thành phố xe đạp đặc trưng, đầu tiên của cả nước trong thời gian sớm nhất. Và trong khi chờ phê duyệt đề án nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép nghiên cứu, thí điểm cấm phương tiện ô tô, xe máy một số tuyến đường để dành cho xe đạp vào ngày Chủ nhật hàng tuần.

Việc thúc đẩy sử dụng xe đạp tại Huế chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước tiên, xe đạp là phương tiện giao thông không phát thải, giúp giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn và góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đối với một thành phố có di sản văn hóa phong phú như Huế, việc sử dụng xe đạp còn giúp bảo tồn cảnh quan, tạo ra một không gian sống xanh và sạch hơn. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra một dấu ấn đặc biệt cho Huế trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Tầm nhìn và thách thức

Mặc dù tầm nhìn xanh của Huế, trước hết trong lĩnh vực giao thông là rất rõ ràng. Tuy vậy, việc triển khai chắc chắn sẽ đối diện với nhiều thách thức. Trước hết, do bây giờ mới khởi động nên hạ tầng giao thông hiện tại của Huế chưa thực sự thân thiện với xe đạp. Việc xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp đòi hỏi sự đầu tư lớn và có thể gặp phải sự phản đối từ một số người dân do việc thu hẹp làn đường dành cho ô tô và xe máy. Thêm vào đó, để thay đổi văn hóa và thói quen đi xe máy, ô tô bằng xe đạp của người dân cũng không phải là chuyện một sớm một chiều.

Tất nhiên, Huế có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các thành phố của nhiều nước đã thành công trong việc thúc đẩy sử dụng xe đạp từ mấy chục năm nay. Mà mỗi một thành phố, với đặc trưng văn hóa và giao thông của mình, sẽ cho Huế những bài học cụ thể. Ví dụ thành phố Amsterdam của Hà Lan sẽ cho Huế kinh nghiệm về đầu tư vào hệ thống làn đường và cơ sở hạ tầng hỗ trợ xe đạp, cũng như khuyến khích sử dụng xe đạp qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi. Thành phố Copenhagen của Đan Mạch sẽ cho kinh nghiệm về việc tích hợp xe đạp vào quy hoạch đô thị từ đầu. Đồng thời,  phát triển hệ thống chia sẻ xe đạp để khuyến khích sử dụng. Đảm bảo an toàn giao thông cho người đi xe đạp. Thành phố Tokyo của Nhật Bản gợi ý về đầu tư vào các bãi đỗ xe đạp thông minh và tiện lợi. Cung cấp chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho người sử dụng xe đạp. Tích hợp hệ thống xe đạp với các phương tiện giao thông công cộng khác…

Những mô hình thành công từ các thành phố trên thế giới cho thấy rằng, việc xây dựng một thành phố thân thiện với xe đạp đòi hỏi sự đầu tư về hạ tầng, chính sách hỗ trợ và xây dựng văn hóa sử dụng xe đạp. Huế có thể học hỏi và áp dụng những bài học này để tạo ra một môi trường giao thông xanh, sạch và bền vững, phù hợp với tầm nhìn trở thành thành phố xe đạp đặc trưng đầu tiên của Việt Nam.

Tóm lại việc biến Huế trở thành thành phố xe đạp đặc trưng đầu tiên của Việt Nam là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ và nỗ lực không ngừng từ tất cả các bên liên quan. Với tầm nhìn xanh và sự quyết tâm, Huế hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng của một thành phố thân thiện, xanh sạch và bền vững, là hình mẫu về phát triển đô thị bền vững cho cả nước.

Hoàng Văn Minh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thành phố xanh bằng phương tiện di chuyển cá nhân

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Việt Personal Mobility (PM) vào chiều 4/9. Nội dung buổi làm việc liên quan đến giao thông xanh và dự án “Clean & Green Smart Hue City”.

Xây dựng thành phố xanh bằng phương tiện di chuyển cá nhân
Quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường

Người dân và khách du lịch khá thích thú khi từ ngày 25/8, UBND TP. Huế tổ chức thí điểm tuyến xe đạp vào sáng Chủ nhật hàng tuần từ khung giờ 6h30 - 7h30 tại 4 tuyến đường quanh Đại Nội Huế. Hoạt động này nhằm góp phần xây dựng hình ảnh Huế là đô thị xanh, thân thiện và an toàn, đồng thời quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường.

Quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường
Hướng giới trẻ có thói quen “sống xanh”

Xin khu biệt giới trẻ này là “thế hệ gen Z” (sinh từ năm 1997-2012). Hiện nay họ đã tiếp cận nhiều thông tin về “sống xanh”. Tuy vậy, từ hành vi tiêu dùng cho đến tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xem chừng vẫn chưa mặn mà.

Hướng giới trẻ có thói quen “sống xanh”
Hoàn thiện hạ tầng cho thành phố xe đạp

Theo lãnh đạo TP. Huế, định hướng phát triển giao thông xe đạp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, an toàn, chuyển đổi phương thức đi lại trong thành phố theo hướng xanh, sinh thái và bền vững. Hướng tới xây dựng Huế trở thành một trong những thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam.

Hoàn thiện hạ tầng cho thành phố xe đạp
Return to top