|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận buổi họp |
Ngày 11/6, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch, phương án triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, quản lý vận hành hệ thống xe đạp tại thành phố Huế.
TP. Huế đang có những định hướng phát triển một hệ thống giao thông hiệu quả, an toàn, thân thiện với con người và môi trường, giảm phát thải và không ô nhiễm. Bên cạnh việc định hướng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ phát triển giao thông xe đạp như một loại hình giao thông xanh và an toàn, phù hợp bảo tồn di sản và bảo vệ cảnh quan du lịch cho thành phố Huế, xây dựng hình ảnh Huế là đô thị xanh, thân thiện, an toàn.
Theo lãnh đạo TP. Huế, định hướng phát triển giao thông xe đạp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, an toàn, chuyển đổi phương thức đi lại trong thành phố theo hướng xanh, sinh thái và bền vững. Hướng tới xây dựng Huế trở thành một trong những thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam.
Thành phố cũng vạch ra các loại hình cho mạng lưới đường xe đạp, đó là làn dành riêng cho xe đạp, đường xe đạp đi chung; đường xe đạp cảnh quan, đường ưu tiên cho xe đạp và đi bộ; đường cao tốc xe đạp.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh phát biểu tại buổi họp |
Bên cạnh việc phân tách tạo làn ưu tiên cho xe đạp trên các tuyến đường chính, thành phố sẽ triển khai các giải pháp cải thiện an toàn giao thông; lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho xe đạp tại nút giao; tăng tính nhận diện làn ưu tiên cho xe đạp; bố trí nhà để xe đạp, giá để xe đạp…
Mạng lưới đường xe đạp sẽ được triển khai qua hai giai đoạn, giai đoạn 1 triển khai khu vực lõi (2024-2025). Giai đoạn 2 mở rộng mạng lưới hạ tầng xe đạp (2026 - 2028).
Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung thảo luận liên quan đến các vấn đề về giải pháp cứng để phân luồng rõ ràng, tránh xung đột giữa người đi bộ và đi xe đạp; tạo sự tiện lợi trong kết nối và đảm bảo an toàn cho người đạp xe; ưu tiên các tuyến dọc sông Hương dành cho xe đạp; mở rộng các tiện ích đi kèm như, điểm bán hàng tự động, ghế ngồi nghỉ, điểm đỗ xe; đầu tư hạ tầng, mạng lưới để đi xe đạp…
UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định cho rằng, phát triển xe đạp cần tập trung vào nhu cầu người đi và hướng đi. “Đối tượng sử dụng xe đạp hiện vẫn khách du lịch, do vậy cần có giải pháp triển khai trong đối tượng sinh viên; tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ”, ông Định đề xuất.
Theo ông Định, đối với các mô hình xe đạp, những khó khăn hiện nay liên quan đến việc kết nối liên tục các tuyến giao thông; phân luồng qua các nút giao thông vẫn chưa an toàn.
“Để hướng đến thành phố xe đạp, quy hoạch mạng lưới đóng vai trò quan trọng. Thực tế hiện nay, cần tạo tuyến đường đạp xe hướng đến các điểm du lịch và đảm bảo độ an toàn của tuyến. Ngoài ra, cũng cần kết nối các tuyến đạp xe đạp dọc hai bên bờ sông Hương và trong khu vực nội thành. Song song với đó có thể hạn chế tốc độ ở một số tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người đạp xe và có chiến dịch truyền thông hiệu quả cho xe đạp”, ông Định đề xuất.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Cung Trọng Cường quan tâm đến việc tạo giải pháp để tăng tỉ lệ học sinh, sinh viên đi xe đạp và có những phương pháp cụ thể để tạo sự hấp dẫn cho xe đạp.
|
Huế đang từng bước hoàn thiện hạ tầng để hướng đến thành phố xe đạp |
Đi vào một số giải pháp cụ thể trước mắt và lâu dài, để tạo thuận lợi cho các mô hình xe đạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho rằng, cần tập trung cho hạ tầng kỹ thuật để giải quyết vấn đề an toàn; nghiên cứu các đường dành cho xe đạp và bãi đỗ xe ở khu vực nội thành. Ngoài ra, cần tuyên truyền phát động trong trường học, đặc biệt là bậc trung học cỏ sở.
Về lâu dài, tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp với thành phố chọn một số vùng, tuyến đường tổ chức 1 chiều để tạo không gian cho xe đạp”, ông Minh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến thảo luận. Ông Phương khẳng định, các mô hình xe đạp phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Chủ trương của tỉnh là đầu tư phát triển hạ tầng xe đạp để phục vụ người dân và du khách, đồng thời kỳ vọng phát triển mạnh mẽ xe đạp trong thành phố.
Ông Phương cho biết, tỉnh ưu tiên các tuyến dọc sông Hương sẽ dành cho xe đạp và đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật phù hợp và chuẩn hoá. Ngoài ra, mô hình xe đạp cũng phải bám sát nhu cầu thực tiễn, từ đó, điều chỉnh công nghệ phù hợp.
“Chúng ta phải tạo ra các tuyến đạp xe an toàn, có tính kết nối cao, tạo thiết chế cho xe đạp, triển khai hoàn chỉnh từng tuyến. Liên quan đến việc phát động hưởng ứng ngày đạp xe, có thể nghiên cứu tại một số tuyến đường, từ 6h – 10 giờ vào ngày chủ nhật hàng tuần sẽ chỉ dành cho xe đạp, đồng thời kết hợp với phong trào Ngày Chủ nhật xanh, việc triển khai phải mang tính thường xuyên, liên tục”, ông Phương nhấn mạnh.