ClockThứ Sáu, 06/04/2018 06:00

Hướng đến chuỗi giá trị cho nông sản

TTH - Thời gian qua, cùng chung với thị trường cả nước, nông sản rớt giá, đặc biệt là rau màu khiến nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Bài toán quy hoạch, tìm đầu ra cho nông sản trở nên cấp thiết.

Động lực phát triển đặc sản địa phương

Mô hình trồng rau theo công nghệ cao ở thôn Tây Trì Nhơn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang)

Thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ

Theo cơ quan chức năng, thị trường biến động, cung vượt cầu, đồng thời việc sản xuất thiếu sự liên kết cũng như chuỗi tiêu thụ bền vững khiến nông sản rớt giá.

Sau Tết Nguyên đán vừa qua, rau màu “rớt giá” kỷ lục là một minh chứng. Nhiều vùng chuyên canh trồng rau lớn tại huyện Quảng Điền, Phong Điền, TX.Hương Trà “bí” đầu ra khiến thu nhập của nông dân giảm sút đáng kể.

Đánh giá về nguyên nhân, bà Trần Thị Diệu Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn vẫn chủ yếu thông qua hình thức thương lái, mạng lưới chợ truyền thống. Thị trường tiêu thụ phổ biến là trong huyện, trong tỉnh và một số vùng lân cận. Tỉ lệ các sản phẩm có thị trường ổn định như mạng lưới cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn còn rất ít hoặc vắng bóng. Sự chênh lệch giá cả giữa hàng nông sản và hàng hóa khác (chủ yếu là hàng công nghiệp), giữa vật tư - nguyên liệu “đầu vào” và giá cả thị trường “đầu ra” luôn biến động theo hướng bất lợi cho nông dân và khu vực sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ ở Phong Điền, tại các vùng chuyên canh trồng rau lớn trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều vùng trồng được đầu tư bài bản, quy mô, song việc thiếu liên kết tiêu thụ khiến sản phẩm của nông dân “lúc trồi lúc trụt”.

Theo tính toán của nông dân, so với trồng lúa, thường trồng rau hay các loại nông sản ngắn ngày khác mang lại giá trị khá cao, gấp 1,5-2 lần. Ông Nguyễn Đình Định, chủ cơ sở sản xuất, sơ chế rau an toàn Hóa Châu (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) cho biết, mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng việc sản xuất của nông dân vẫn ở quy mô nhỏ, người dân vẫn gặp khó khăn về vốn trong việc ứng dụng công nghệ cao đưa vào sản xuất.

Ngoài vấn đề đầu tư, việc thiếu đầu ra một cách dài hạn là nguyên nhân khiến nông sản của nông dân chịu thiệt thòi. Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho hay, toàn huyện Quảng Điền có hơn 300ha bao gồm số diện tích chuyển đổi vùng đất ruộng lúa sang trồng các loại cây có giá trị cao như, lạc, rau, khoai lang tím… Song, mặc dù nông dân sản xuất theo quy trình nhưng chưa có cửa hàng phân phối, bán lẻ, nên giá nông sản chủ yếu phụ thuộc vào tiểu thương. “Theo tính toán, tiểu thương thu mua đến 97% nông sản, số còn lại doanh nghiệp và hợp tác xã đóng trên địa bàn thu mua”, ông Vọng phân tích.

Vùng trồng rau an toàn tại xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo T.S, nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế, hiện nay nông dân đang "chạy theo phong trào" nên nông sản bị giảm giá trị là điều khó tránh khỏi. Muốn hướng đến sản xuất nông sản bền vững thì cần quy hoạch vùng trồng hợp lý, chọn những cây trồng đặc hữu để phát triển. Đồng thời, nông dân cần xác định được thị trường tiêu thụ, nghĩa là thị trường đang cần gì để sản xuất. Bên cạnh đó cũng cần hướng đến sản xuất theo công nghệ cao.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã bước đầu hình thành và phát triển nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu như, gạo ngon Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), gạo sạch Quế Lâm; vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Quảng Điền, vùng trồng ném ở huyện Phong Điền... Trước những khó khăn của nông dân, các cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp để hướng đến sản xuất bền vững.

Theo dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018-2020, sẽ tập trung đầu tư để chuyển đổi khoảng 2.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau…Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức phát triển sản suất theo chuỗi; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời tuyên truyền phổ biến để các địa phương, doanh nghiệp và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tổ chức phát triển hệ thống thương mại nông sản nội địa; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường; tiếp tục ưu tiên, tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế cũng như cơ cấu hợp lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa khác như, lúa, lạc, sắn công nghiệp; sản phẩm là đặc sản của địa phương, theo mô hình mỗi xã một sản phẩm; chú trọng việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị".

Tại các địa phương, những giải pháp dài hạn cũng được vạch ra, bà Trần Thị Diệu Minh cho biết, huyện đã triển khai trồng lúa và rau màu theo hướng hữu cơ, VietGAP; bước đầu hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến việc bao tiêu sản phẩm để cung cấp cho các cửa hàng, các siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua các HTX nông nghiệp. Đã tổ chức khảo nghiệm sản xuất thử các giống lạc có năng suất cao; mô hình trồng ném; mô hình sản xuất rau an toàn, rau trái vụ, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP, mô hình trồng cây măng tây,… “Chúng tôi sẽ đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ nông sản theo chuỗi giá trị, giúp các sản phẩm nông sản có giá trị cao, an toàn, bền vững và khả năng cạnh tranh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu”, bà Minh nói.

Ông Hoàng Vọng chia sẻ: “Bên cạnh hướng dẫn các quy trình trồng  và chăm sóc, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về giá trị của nông sản bằng cách xây dựng trang web và các điểm bán hàng hóa ở TP. Huế. Đối với cây lúa, tập trung chỉ đạo phát triển các giống lúa bản địa chất lượng cao. Đối với rau màu đang trong giai đoạn khủng hoảng về giá nên khuyến cáo người dân tập trung sản xuất các loại rau màu đang có giá trị cao như, hành lá, rau mùi, khoai lang tím…”

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tổ chức lại thị trường nông sản trong nước, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống gắn với việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và cơ quan chức năng tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; kiểm soát quá trình sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, khắc phục tình trạng đầu tư phát triển sản xuất theo phong trào dẫn đến dư thừa nguồn cung gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân; tăng cường chế biến sâu, kiểm soát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Return to top