ClockChủ Nhật, 11/03/2018 08:15
“CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”:

Động lực phát triển đặc sản địa phương

TTH - Nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, chuyển giao, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), bảo đảm môi trường đầu tư và cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản là đặc sản của các làng nghề truyền thống, sản phẩm ngành nghề nông thôn… Thừa Thiên Huế có chính sách hỗ trợ phát triển TSTT từ nay đến năm 2020.

Đặc sản vùng cao xuống phốĐem đặc sản miền Trung lên bàn đại tiệcThêm cơ hội cho đặc sản Cố đôNam Đông phát triển cây đặc sảnĐặc sản Huế tiếp cận thị trường rộng

Trao đổi với Thừa Thiên Huế cuối tuần, TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giới thiệu cụ thể:

TS. Hồ Thắng

Thừa Thiên Huế có nhiều đặc sản ẩm thực, nông sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu các đặc sản mang tính đặc thù địa phương còn nhiều tồn tại và hạn chế. Việc áp dụng cơ chế, chính sách về phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương vẫn lúng túng.

TS. Hồ Thắng nhấn mạnh: Trong xu hướng toàn cầu hướng đến sự đổi mới về mô hình tăng trưởng và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2017 – 2020” sẽ giúp các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng; đồng thời, giúp người tiêu dùng có định hướng tốt hơn trong sự lựa chọn sản phẩm chất lượng. Chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ tạo lập, xây dựng, quản lý và phát triển các TSTT của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giúp các doanh nghiệp giải quyết tốt hơn những vấn đề về bảo hộ sản phẩm, đầu tư mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm, hỗ trợ quy trình sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường…

Ưu tiên hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vậy nhóm doanh nghiệp này đã được giới thiệu về “Chương trình phát triển TSTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 – 2020” như thế nào, thưa ông?

TS. Hồ Thắng: Chương trình này đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển TSTT đối với các đặc sản, sản phẩm của ngành nghề nông thôn và các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Trước khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ theo đề án phát triển TSTT toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020, từ năm 2013 Thừa Thiên Huế đã thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Thông qua các chương trình truyền thông, các hội thảo, đối thoại và diễn đàn KH&CN, tiêu biểu như diễn đàn đối thoại "Sở hữu trí tuệ - tài sản vô hình của doanh nghiệp", hội thảo "Giải pháp phát triển thương hiệu các đặc sản, sản phẩm ngành nghề nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế" và diễn đàn KH&CN với chủ đề "Đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0". Qua các hoạt động này, chúng tôi đã nâng cao năng lực, đồng thời tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu về bản chất của sở hữu trí tuệ và TSTT mà họ làm ra, cũng như những chính sách của tỉnh đối với việc phát triển TSTT trên địa bàn.

Phân đoạn 2018, chương trình phát triển TSTT sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

TS. Hồ Thắng: Với phương châm phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các đặc sản, năm nay chúng tôi tập trung hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu cho các đặc sản như thanh trà, dầu tràm, cam Nam Đông, sen Huế; tạo lập, xây dựng, quảng bá cho các nhãn hiệu tập thể đối với cá vẩu ở đầm Tam Giang – Cầu Hai, pháp lam Huế, ruốc Huế, trầm hương Thủy Xuân, cam Nam Đông; xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể có quy mô lớn hơn như Làng du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn, sen Huế, nghiên cứu thành lập Hội nghề may áo dài Huế để tạo lập nhãn hiệu tập thể áo dài truyền thống Huế… Chúng tôi cũng tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng là xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm đặc sản là thanh trà và dầu tràm Huế. Đồng thời, hỗ trợ các đặc sản tiếp cận thị trường bằng việc đăng ký nhãn hiệu mè xửng Huế vào thị trường Thái Lan và gia vị bún bò Huế vào Singapore.

Quy chuẩn chất lượng là một trong những khâu quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp đã được quan tâm hỗ trợ như thế nào?

TS. Hồ Thắng: Với quan điểm phát triển thương hiệu hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, chúng tôi xem trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm, chúng tôi rất quan tâm đến các vấn đề về xây dựng các quy chuẩn chất lượng để các doanh nghiệp tuân thủ, đảm bảo chất lượng và uy tín cho sản phẩm. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được quy chuẩn chất lượng cho dầu tràm Huế, mè xửng Huế và sắp tới sẽ là quy chuẩn cho ruốc Huế.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình phát triển TSTT, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ các hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hiện đề án dán mã vạch, mã QA cho sản phẩm và có chính sách hỗ trợ đổi mới quy trình công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể như chính sách áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn và tổng kinh phí hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/1 dự án; áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, sáng kiến... với tổng kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/1 dự án. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là sự quan tâm rất lớn của tỉnh nhằm hỗ trợ, động viên, khích lệ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông có thể cho biết, tại thời điểm này, việc thực hiện chương trình phát triển TSTT có khó khăn nào đáng kể, thưa ông?

TS. Hồ Thắng: Mặc dù nhận thức của các doanh nghiệp về TSTT đã dần có sự chuyển biến, nhưng sự quan tâm thực tế vẫn còn khá hạn chế. Trong khi đó, phần lớn đặc sản địa phương lại ở vùng nông thôn – nơi không tập trung các doanh nghiệp mà chủ yếu là các HTX nông nghiệp. Năng lực, nhận thức của lãnh đạo HTX, cộng động dân cư, các tổ chức hội… về TSTT vẫn chưa đồng đều và còn nhiều hạn chế. Chúng tôi nghĩ rằng, các ngành chức năng cần khuyến khích nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm nông thôn, nhất là các doanh nghiệp phát triển thương hiệu các đặc sản, nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức cá nhân nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và phát triển các thương hiệu đặc sản. Mặt khác, chúng tôi cũng nhận thấy có sự hạn chế khi các doanh nghiệp của chúng ta phần lớn có quy mô nhỏ, sức đáp ứng nhu cầu của thị trường thấp hơn một số nơi. Trong khi để đặc sản tiếp cận thị trường tốt, rất cần có doanh nghiệp đầu đàn để phát triển quy mô sản xuất cũng như đưa sản phẩm vào những thị trường lớn.

Chương trình phát triển TSTT của tỉnh hiện mới chỉ có tính giai đoạn đến năm 2020. Vậy, theo ông vấn đề này cần chiến lược lâu dài như thế nào?

TS. Hồ Thắng: Tôi nghĩ ngoài chính sách phát triển TSTT, tỉnh ta và cộng động doanh nghiệp cần có những giải pháp căn cơ hơn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp phát triển đặc sản địa phương nhất là các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, như: chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn lao động chuyên môn hóa, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ huy động nguồn vốn, hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ. Để từ đó, các cơ sở sản xuất thực hiện các giải pháp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tìm được thị trường ổn định, phát triển các loại hình tổ chức sản xuất hiệu quả và liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu. Điều này cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù riêng cho các sản phẩm đặc sản và ngành nghề ngành nghề nông thôn của tỉnh.

Xin cảm ơn về cuộc trao đổi!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top