ClockThứ Hai, 13/08/2018 14:34

Kênh mương thủy lợi sạt lở, xuống cấp

TTH - Kênh mương thủy lợi xuống cấp; một số đập thủy lợi đầu nguồn và đồng ruộng bị bồi lấp do sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất... là phản ánh của người dân các xã Thượng Quảng, Thượng Nhật, Thượng Long của huyện miền núi Nam Đông.

Bờ sông tiếp tục sạt lởPhú Thuận: Cần bờ kè chống sạt lở

 Khắc phục công trình thủy lợi đầu mối ở Nam Đông

Đối mặt với sạt lở, xuống cấp

Nhiều người dân thôn A Xách và La Vân, xã Thượng Nhật cho biết: “Hiện nay, kênh mương vùng ruộng Cha Liêu, Ka Co và đập thủy lợi Khe Van (khe La Vân) bị hư hỏng nặng, nên không đủ nước để phục vụ sản xuất”.

Người trồng lúa ở thôn 2, thôn 3, xã Thượng Quảng cũng lo lắng, các trận mưa lũ năm 2017 và đầu năm 2018 đã sạt lở đất, làm nhiều diện tích đất và ruộng lúa của người dân bị ảnh hưởng, không thể canh tác được.

Các trận mưa lũ cũng đã gây sạt lở đất sản xuất ven các bờ sông, suối với tổng chiều dài trên 4.000 mét. Trong đó, các xã: Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Phú… bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từ 500 đến 1.400 mét; 9 đập thủy lợi đầu nguồn bị hư hỏng nặng.

Qua khảo sát cho thấy, những công trình như: đập đầu mối thôn 6, xã Hương Hữu; thôn 5 xã Thượng Nhật; đập khe Lá xã Thượng Lộ; khoảng 5.200 mét kênh mương các xã Hương Hữu, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Hương Phú và Thượng Long do đã xây dựng từ lâu, nên đã xuống cấp trầm trọng. Kè chống sạt lở đất thôn 3 xã Thượng Quảng; kè A Mun xã Thượng Long và kè A Zong xã Thượng Lộ bị sạt lở cũng là vấn đề đặt ra ở Nam Đông...

Khắc phục bước đầu

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết thêm: Các trận mưa lũ thời gian qua gây sạt lở 4 điểm mái ta luy dương Tỉnh lộ 14B đoạn qua đèo La Hy; sạt lở đất mái ta luy đường sản xuất Cha Mon. Hàng ngàn mét vuông đất sản xuất của người dân ven các bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Nặng nhất, là nhiều hệ thống thủy lợi bị bồi lấp.

"Trước nhu cầu thực tế của người dân, UBND tỉnh cấp kinh phí 5 tỷ đồng để huyện khắc phục, sửa chữa một số công trình hạ tầng, hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, xuống cấp để phục vụ sản xuất. Theo đó, nhiều công trình đã khắc phục xong trong năm 2017. Hiện còn một số hạng mục huyện vẫn đang tiếp tục triển khai khắc phục, sửa chữa”- Ông Phạm Tấn Son thông tin.

Riêng hệ thống kênh mương thủy lợi xã Thượng Quảng, UBND huyện Nam Đông đã đầu tư sửa chữa một số tuyến. Năm 2018, huyện tiếp tục đề nghị UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn để sửa chữa kênh mương khe A Răng 2 bằng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng chương trình nông thôn mới. Đối với các điểm sạt lở đất ruộng lúa ở thôn 2 và thôn 3 xã Thượng Quảng, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát và đề xuất phương án xử lý.

Ở vùng ruộng Cha Liêu xã Thượng Nhật có xảy ra thiếu nước cục bộ thời gian ngắn, với diện tích khoảng 1ha ở vùng cuối kênh. Nguyên nhân, do nguồn nước đầu nguồn cạn kiệt. UBND huyện đề nghị UBND xã Thượng Nhật chủ động chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang trồng ngô và hoa màu. Đồng thời, tăng cường củng cố bờ ruộng và điều tiết nước hợp lý trên diện tích đất trồng lúa.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng cho biết, hiện nay, nhu cầu đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương, đập thủy lợi và kè chống sạt lở đất trên địa bàn huyện là rất lớn. Trong lúc chờ nguồn kinh phí đầu tư, huyện tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương, các phòng chuyên môn chủ động khắc phục, nạo vét kênh mương, tăng cường điều tiết sử dụng nguồn nước... để đảm bảo sản xuất.

Bên cạnh đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sinh kế người dân, UBND huyện Nam Đông đang triển khai phương án xây dựng khu TĐC ở xã Thượng Nhật và thị trấn Khe Tre để đưa các hộ dân sinh sống dọc bờ sông, bờ suối thường hay xảy ra sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ đến, bố trí định cư để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình

Chiều 5/11, ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cho biết sóng lớn đã đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình, xã Lộc Bình (cửa biển Tư Hiền) chiều dài khoảng 100m, trong đó có đoạn khoảng 50m chiều dài lấn sâu vào đường dân sinh.

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư
Return to top