|
Sắc đẹp của “rồng đất” Nataliae ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền |
Dẫu núi rừng hiểm trở hay thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ dầm dề, anh Trần Xuân Hai, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền vẫn không quên công cuộc tìm kiếm các loài động vật hoang dã. Trong cuộc tìm kiếm đó, anh Hai luôn trăn trở với một loài động vật có hình thể bé nhỏ, khó nhận thấy lại ít được giới bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh quan tâm, đó là loài “rồng đất”.
Anh Hai thừa nhận, trong cuộc tìm kiếm, bảo tồn các loài động vật rừng, một thời gian dài gần như loài “rồng đất” bị chìm vào quên lãng. Đến một ngày gần đây, anh Hai chợt nhớ loài động vật này từng vào danh sách quý, hiếm, nguy cấp cần phải bảo tồn. Điều này thôi thúc anh âm thầm cho cuộc tìm kiếm, khảo sát loài động vật quý hiếm trước nguy cơ “mất liên lạc” với giới bảo tồn.
Do hình thể, kích thước cá thể “rồng đất” bé nhỏ nên quá trình tìm kiếm, khảo sát bằng bẫy ảnh gần như không mang lại hiệu quả. Từ ngày giới bảo tồn động vật hoang dã triển khai đặt bẫy ảnh đến nay chưa lần nào ghi nhận sự xuất hiện của loài động vật nhỏ bé này. Cuộc tìm kiếm được cho là khả thi nhất là quan sát, ghi nhận bằng mắt thường thông qua hoạt động tuần tra, giám sát tại những khu vực, sinh cảnh phù hợp của chúng.
Tìm kiếm chúng bằng mắt thường càng không hề dễ dàng vì núi rừng rộng lớn bao la, trong khi số lượng cá thể “rồng đất” được xác định rất hiếm. Điều này đòi hỏi những người làm công tác bảo tồn như anh Hai càng phải tâm huyết, đam mê và có trách nhiệm, luôn ghi nhớ sâu sắc loài động vật này trong những hành trình, năm tháng tìm kiếm các loài động vật hoang dã.
|
Kỳ tôm màu nâu |
Anh Hai bảo, với số lượng cá thể rất ít, kích thức nhỏ bé cộng với nhiều điều kiện khó khăn khách quan nên công cuộc tìm kiếm loài “rồng đất” gần như tất yếu phải dựa vào cộng đồng dân cư, quần chúng Nhân dân vùng đệm. Họ là những người sinh sống, làm ăn cạnh rừng nên khả năng nhận thấy loài động vật này rất cao. Nhưng làm thế nào để người dân nhận biết, nhận dạng được “rồng đất” và sự quý, hiếm, nguy cấp cần phải bảo tồn là điều không dễ.
Anh Hai luôn trăn trở và lo ngại trước nguy cơ xâm hại khi gần như hầu hết người dân chưa ai biết đến “rồng đất” là loài động vật hoang dã quý, hiếm. Trong khi nạn săn, bẫy kỳ nhông - loài động vật thông thường có kích thước tương đồng với “rồng đất” vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận cư dân đã “vô tình” gây nên thảm họa tiêu diệt loài động vật quý, hiếm, nguy cấp này.
Trong hành trình tìm kiếm động vật hoang dã, anh Hai và các cộng sự, đồng nghiệp luôn mang theo bên mình những tấm hình “rồng đất”. Đến các bản làng, cư dân vùng đệm hay bất cứ đâu, anh Hai đều giới thiệu với người dân về cách nhận biết cũng như sự cần thiết phải bảo tồn, bảo vệ loài động vật quý, hiếm, nguy cấp này. Gần đây, dù nhiều người bắt đầu có hiểu biết về loài “rồng đất” nhưng hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân vẫn được anh Hai lưu tâm và kiên trì.
Không chỉ có hình dáng ấn tượng, “rồng đất” (tên khoa học là: nhông Nataliae) còn có khả năng thay đổi màu sắc rất nhanh tùy theo điều kiện môi trường. Dạng thứ nhất thân màu nâu đến nâu xám, phần trên đầu, cổ và gáy màu nâu, vàng nhạt. Mép trên và túi họng có màu nâu vàng nhạt, hoặc màu trắng đục, đôi khi xen kẽ các vệt đen mảnh; ổ mắt đen tiếp tục với vệt đen sau mắt qua màng nhĩ đến gốc vai, đuôi với các khoanh trắng - nâu hoặc đen xen kẽ. Dạng thứ hai, thân có màu xanh rêu, mặt trên đầu, cổ và gáy màu vàng đen nhạt; ổ mắt và vệt sẫm phía sau màu đen nhạt; họng và túi họng màu xanh đen, đuôi có các khoanh xanh - đen hoặc nâu xen kẽ.
Quá trình tìm kiếm và nghiên cứu, anh Hai nhận thấy, “rồng đất” thường sống trong các khu rừng xanh còn tốt từ độ cao từ 1.000 đến 2.500m so với mặt biển. Chúng thường xuất hiện vào mùa mưa và gần như rất hiếm gặp vào mùa khô. Thức ăn chủ yếu của loài này là các loài côn trùng sống trong khu vực phân bố. Chúng có khả năng phóng chiếc lưỡi dài ra bắt mồi rất ngoạn mục. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, loài này bắt gặp ở khu vực tiểu khu 47, 48 thuộc xã Phong Mỹ (Phong Điền).
Là loài nhông có hoa văn rất đẹp nên “rồng đất” thường bị buôn bán làm vật nuôi cảnh ở Việt Nam và quốc tế, có giá trị nghiên cứu khoa học về sinh thái và tập tính của loài. Do là một loài mới nên các dữ liệu khoa học về nhông Nataliae hiện vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, do việc khai thác rừng làm mất sinh cảnh sống của chúng trong tự nhiên. Loài này cũng như nhiều loài bò sát khác đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt và mất môi trường sống do tác động của con người. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp khoanh vùng bảo vệ nơi loài này phân bố.
Thiên nhiên ưu đãi cho Phong Điền những vẻ đẹp kỳ thú với các loài động, thực vật đa dạng và phong phú. Trong đó, có thể kế đến loài nhông Nataliae, là một loài mới được phát hiện ở vùng rừng thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 2006. Loài bò sát này được đặt tên theo tên của nữ khoa học gia xinh đẹp người Nga (Natalia) đã có nhiều cống hiến và nghiên cứu bò sát, lưỡng cư ở Việt Nam.
Chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã Tống Phước Hoàng Hiếu thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin thêm, một loài “rồng đất” khác có tên gọi kỳ tôm được giới nghiên cứu, bảo tồn động vật phát hiện trên địa bàn tỉnh. Loài kỳ tôm này thường sống ở trung du và miền núi, trong các bụi cây leo bên bờ suối. Cuộc sống của chúng gắn bó với môi trường nước, di chuyển nhanh nhẹn trên mặt đất, đôi khi leo lên cây và thường bám vào các cành cây mọc ngang trên mặt nước, bơi tốt…
Số phận của loài “rồng đất” vào mỗi thời điểm được xếp hạng cấp độ bảo tồn khác nhau. Trước năm 2012, chúng được liệt vào danh sách động vật rừng - tại thời điểm đó chỉ có danh sách các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Từ năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, loài động vật này được đưa vào danh sách các loài động vật rừng thông thường, được Nhà nước cho phép gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại. Từ ngày năm 2020, chúng được liệt vào danh mục động vật khác được phép chăn nuôi. Và đến ngày 17/2/2023, loài “rồng đất” được liệt kê, quản lý như các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, hiện nay, loài động vật này được quản lý theo chế độ quản lý các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; được Nhà nước cho phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại thông qua việc thành lập cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý. Các cơ sở đăng ký gây nuôi phải đảm bảo các điều kiện có liên quan, trong đó phải "đảm bảo nguồn gốc vật nuôi hợp pháp" và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.