Ngư dân Quảng Công trúng cá cơm đầu năm
Thăng, trầm
Trở về sau chuyến biển đầy ắp cá, nán lại dưới bóng con thuyền khi chiều dần nhạt nắng, ông Trần Văn Thành ở xã Phú Diên (Phú Vang) gợi lại ký ức một thời của nghề truyền thống cha ông: “Biển lắm cá nhiều tôm, có lúc chẳng có con mô, vì rứa mà ngư dân như bọn tui thường có câu cửa miệng: “biển giả”. Nói rứa thôi, chứ bao giờ biển cũng là niềm tự hào, “hũ gạo, nồi cơm” cho mỗi phận người. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, ngư dân vẫn bám biển, bám trụ với nghề đánh bắt vùng lộng”.
Ông Thành kể, cứ vào dịp mùa hè, khi trời chưa tỏ rạng, hay vào mỗi buổi chiều tối, ánh trăng bắt đầu hé lộ, từ người lớn đến lớp thanh, thiếu niên kéo nhau ra bãi biển tham gia “bủa rồng”, “bủa xăm”, chở về đầy ắp những con nục, me, cơm... Hết mùa cá cơm, cá me, vùng lộng lại xuất hiện ruốc (khuyết), tôm. Gà vừa cất tiếng gáy báo hiệu canh khuya, cũng là lúc ngư dân bắt đầu “cơm đùm gạo bới” đưa thuyền ra biển “kéo dạ” đánh bắt ruốc, tôm. Hồi đó, tôm biển rất dồi dào, có ngày đánh bắt vài tạ đến cả tấn, ngư dân bán cho Công ty Thủy sản đông lạnh Sông Hương. Đến mùa cá trích, nục, hay nghề lưới “thanh ba” đánh bắt cá sòng, tho, cam, chủa, bò... Vào các buổi tối mùa hè, đứng trên bờ biển nhìn về phía xa xa, những ánh đèn nhấp nháy của hàng trăm chiếc thuyền câu mực nối dài cả chục cây số.
Thành quả của ngư dân Phú Diên là những cá cam, bạc má, nục...
Nhớ lại một thời nguồn lợi hải sản dồi dào, ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn 11, xã Điền Hòa (Phong Điền) tặc lưỡi: “Cá, tôm hồi đó không biết bao nhiêu mà kể. Mỗi chuyến đánh bắt chỉ nửa ngày đến một ngày thôi thuyền mô cũng đầy ắp cá, tôm, ruốc. Vất vả đến mấy ngư dân vẫn hồ hởi, hằng ngày cùng con thuyền xuôi theo con nước. Nhiều chuyến biển, hải sản bán không hết phải phơi khô, làm mắm dự trữ lâu dài. Dù khó có thể làm giàu nhưng nghề biển vùng lộng giúp nhiều hộ thoát cảnh đói nghèo, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”.
Cách đây 5-10 năm, xuất hiện các nghề đánh bắt bằng giã cào, te quệu, mìn, bộc phá khiến nguồn lợi hải sản vùng lộng không còn dồi dào như trước, có lúc gần như cạn kiệt. Tôm biển, hay những con cam, thu, chủa, kè, tho, bò… hầu như mất hút khỏi vùng biển lộng. “Cứ sau tiếng nổ ầm ầm thì đủ các loại cá nổi trắng xóa cả một vùng biển. “Ngư tặc” vớt những con cá lớn, còn cá nhỏ trôi bập bềnh trên biển, dạt vào bờ gây ô nhiễm môi trường. Hàng loạt tàu giã cào, te quệu công suất lớn nối đuôi nhau làm náo loạn, cá tôm dù nhỏ cỡ nào cũng không thoát khỏi”, ngư dân Nguyễn Văn Xuân xót xa.
Các nghề khai thác hủy diệt khiến nguồn lợi hải sản vùng lộng một thời rất khan hiếm. Các loại cá cơm, me, duội gần bờ hầu như không còn, các nghề “kéo dạ”, “kéo rồng”, “bủa xăm” ngày càng mai một, thậm chí không còn tồn tại. Có khi lênh đênh trên biển, rong ruổi suốt ngày cũng chỉ kiếm đủ bữa ăn, may ra bán được một vài trăm ngàn đồng… Ngư dân ở các xã: Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang); Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền)… không còn mặn mà với nghề biển. Số thuyền mỗi địa phương từ hàng trăm chiếc giảm chỉ còn vài chục chiếc xuồng nhỏ, các nghề lưới, câu chủ yếu kiếm cá ăn hằng ngày. Nhiều ngư dân bỏ nghề biển, chuyển sang nuôi tôm thuê và các nghề khác, đời sống bấp bênh.
Khi cá, tôm trở lại
Chiếc thuyền nan chừng 15 CV vừa cập bến, ngư dân Trần Văn Thành ở xã Phú Diên liền gọi vợ đang chờ sẵn trên bờ phụ một tay để gánh thuyền. Vẻ mệt mỏi của ông Thành và các ngư dân pha lẫn rạng ngời sau một ngày đánh bắt trên vùng biển lộng thuyền đầy tôm cá.
Trong câu chuyện với chúng tôi, có lúc ông Thành chùng giọng tỏ vẻ nuối tiếc một thời, nhưng khóe mắt vẫn lộ rõ niềm hy vọng tràn trề khi vùng lộng có tín hiệu phục hồi; con nục, cơm, mực, thu, chủa, thu, cam… bắt đầu trở lại. Cá cơm vùng lộng một thời khan hiếm giờ rất dồi dào, từ cuối năm trước đến đầu năm nay, nhiều thuyền bãi ngang trúng đậm cá cơm, thu về vài triệu đồng/chuyến. Từ những ngày đầu năm đến nay, ngư dân liên tục được mùa cá trích, lẫn các nghề câu mực, nục, cam, thu, chủa…
Ngư dân Quảng Ngạn trúng đậm cá trích
Ở biển mà không làm nghề biển thì chẳng biết làm nghề gì sinh sống! Nghĩ vậy nên mấy năm nay rồi, nhiều ngư dân trở lại với nghề biển. Nhiều ngư dân đóng mới thuyền, mua sắm ngư cụ đánh bắt xa bờ. Ngày trước, tôm, cá dồi dào, ngư dân đánh bắt chủ yếu ven bờ, nay vươn xa. Các nghề “lưới hai”, “lưới ba”, lừ… không chỉ được khôi phục mà còn cải tiến, mở rộng độ cao, nâng độ dài, hiệu quả đánh bắt cao hơn.
Bây giờ về vùng ven biển các xã bãi ngang các Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền sẽ thấy ghe thuyền ngày càng đông đúc, cảnh ra vào đánh bắt tấp nập.
Ông Võ Thân, xã Phong Hải từng bỏ nghề biển, lên Huế mua nhà sinh sống, nay lại về quê mua sắm thuyền, lưới cụ theo nghề biển. Ông Thân quả quyết: “Dù biển chưa thể phục hồi như trước, nhưng với ngư dân làm biển vẫn là nghề phù hợp. Tui cùng với một số anh em ở TP. Huế quyết định về quê sinh sống và theo đuổi nghề cha ông. Muốn đánh bắt hiệu quả thì phải cải tiến ngư lưới cụ, bám biển kiên trì và đánh bắt xa bờ hơn”.
Nếu như trước đây chủ yếu các nghề “kéo dạ”, “kéo rồng”, hay nghề “lưới hai”, thì nay người dân mua sắm thêm lừ, “lưới ba”. Nghề “lưới hai” bủa các loại cá trích, nục, bạc má…, “lưới ba” đánh bắt cá thu, thiều, chủa, còn lừ thì bủa mực. Ông Thân hồ hởi: “Từ ngày mua sắm “lưới hai”, “lưới ba” và lừ, thuyền đi biển hầu như quanh năm (trừ những ngày biển động). Mỗi ngày thu nhập thấp nhất cũng 500-700 ngàn đồng, những ngày cao vài triệu đồng. Trừ chi phí nhiên liệu, còn chia mỗi thuyền viên được vài trăm ngàn đồng, tương đối ổn định so với các nghề khác”.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải-Phan Khánh thông tin, một thời gian khá dài bỏ biển, nhiều ngư “nhàn cư vi bất thiện” dẫn đến nạn cờ bạc, rượu chè gây mất an ninh trật tự địa phương. Giờ đây, họ đã tu chí làm ăn, bám biển mưu sinh. Ngoài các nghề bủa lưới, nhiều ngư dân còn mở rộng nghề lừ bủa mực. Lừ thường đặt từ ngày trước đến sáng hôm sau, ít cũng vài kg, nhiều cả chục kg. Mỗi kg các loại mực nang, lá, thước hiện nay có giá bình quân từ 200 ngàn đồng trở lên. Đa dạng hóa nghề đánh bắt, cộng với kiên trì, nhiều hộ ngư dân ổn định cuộc sống.
Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Đức thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.950 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ. Gần đây, ngư dân đa dạng hóa các nghề khai thác, vươn khơi, sản lượng đánh bắt ngày càng cao, góp phần khôi phục nghề chế biến nước mắm. Những năm qua, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho các thuyền đánh bắt gần bờ; một số doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm thuyền viên… đã tạo động lực cho ngư dân bám biển.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU