ClockChủ Nhật, 30/07/2017 07:07

Nơi cửa sông

TTH - Vùng cửa sông Ô Lâu tiếp nối với phá Tam Giang, nơi giao thoa giữa hai dòng nước ngọt- lợ, từ nhiều đời nay đã hình thành nên những làng ngư nghiệp quần cư, trù phú. Hoạt động đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản cùng với việc hình thành Khu Bảo tồn thiên nhiên vùng ngập nước nơi hạ nguồn con sông này đã tạo nên nhịp sống sôi động cho vùng cửa sông trước khi con nước hòa mình vào biển cả.

Người dân dọc vùng cửa sông Ô Lâu buôn bán các loài thủy sản

Sông Ô Lâu bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, với độ cao xấp xỉ 1.000m so với mực nước biển. Trước khi về hạ nguồn, sông đã nhập với dòng Mỹ Chánh, Thác Ma, góp thêm hạt phù sa bồi đắp cho biền bãi!

Cửa sông nuôi cá lồng

Tôi đã từng đi thuyền trên sông Ô Lâu từ vùng thượng nguồn Phong Mỹ. Có lẽ, hàng trăm năm trước, cư dân vùng ven sông đã có nghề “thương hồ” kết những bè lồ ô vận chuyển xuôi sông về hình thành nên những trộ nò sáo vững chãi trên phá Tam Giang. Khi về làng Vân Trình (xã Phong Bình, Phong Điền), vào mỗi mùa nước nổi, nước sông cũng tạo nên một vùng “tiểu miền Tây” của xứ Huế với hoạt động đánh bắt, nuôi cá nước ngọt.

Vùng cửa sông chúng tôi muốn nói đến ở điểm dừng cuối cùng của dòng Ô Lâu sau khi kết thúc “hành trình phù sa” là vùng đất ngập nước quanh Cửa Lác (xã Quảng Thái, Quảng Điền). Vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu là một phần của hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai gồm 5 xã Điền Hòa, Điền Lộc, Phong Chương (Phong Điền) và Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền)- không tự dưng, nghề nuôi lá lồng nước ngọt của một xã nơi cuối nguồn sông như Quảng Thái lại phát triển, mang thu nhập cao cho người dân đến thế.

Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái bảo rằng, so với nhiều vùng nuôi cá nước ngọt trên sông khác, thì sông Ô Lâu có nguồn nước sạch hơn, “động” hơn nên không chỉ hoạt động đánh bắt mà nghề nuôi cá lồng phát triển khá thịnh tại đây. Với hai chi hội nghề cá thôn Trung Làng, Lai Hà quản lý hơn 50 ha mặt nước thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên vùng ngập nước nơi hạ nguồn sông Ô Lâu đã có gần 700 lồng cá nước ngọt (trắm, chép, mè) của hơn 300 hộ dân tham gia nuôi trồng. “Mỗi vụ cá lồng hai thôn cho thu nhập khoảng 7 tỷ đồng, người nuôi đã tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước. So với trồng lúa- ở vùng đất sản xuất nông nghiệp khó khăn như Quảng Thái, thu nhập của người dân nuôi cá lồng ổn định hơn nhiều”, ông Phước chia sẻ.

Là một trong những hộ nuôi cá lồng thành công nhất “xứ cửa sông”, ông Trần Hiệu tâm sự, nuôi cá lồng vùng này không sợ rủi ro bởi nguồn nước sạch, kỹ thuật thì địa phương tập huấn, người nuôi trang bị đầy đủ, chỉ sợ nhất là...bèo. Mỗi năm mùa lũ nhỏ, hoặc không có lũ, bèo không đẩy được ra phá, ra biển, đã làm cho lượng cá lồng ở thôn La Hà giảm đi khá nhiều. “Nếu tránh được bèo thì mỗi năm với 6 lồng nuôi cá trằm, mè, tui cầm chắc 150 triệu đồng”, ông Hiệu nói đoạn rồi xách xe máy dẫn chúng tôi “ngao du” đầm phá!

Vùng cửa sông giao thoa ngọt- lợ, cũng là “thủ phủ” của trìa, hến, ngao. Giữa trưa nắng như đổ lửa, những chiếc thuyền của ngư dân quanh vùng Cửa Lác tấp nập vào đập, vận chuyển các loài thủy sản lên bờ bán cho thương lái. Từ lâu, vùng nước quanh đập Cửa Lác đã trở thành một “chợ nổi” của dân buôn trìa, hến. Theo với nghề này, đa phần là chị em phụ nữ với nghề cào trìa, bắt hến bằng chân, cho thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Đang vui với những con thuyền cập bến cơ man nào nguồn lợi thủy sản, càng vui hơn khi nghe Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái nói về ý tưởng mở tour du lịch tại khu vực Tràm Chim (Cửa Lác) với các hoạt động đi thuyền vùng sông nước và trải nghiệm một số hoạt động đánh bắt thủy sản, cào trìa, hến…

“Hồi sinh” làng chài

Làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) cũng như bao làng chài khác nằm nép mình bên phá Tam Giang. Ở đây từng tồn tại nghề cắn chì làm lưới bạc. Chì được đính vào lưới, không dùng máy móc mà dùng miệng cắn. Một thời gian dài, vì kế mưu sinh, vì những vuông lưới đẹp cho nghề ngư trên đầm phá mà cư dân của làng “ôm” bao bệnh tật vào trong người do nghề cắn chì.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi bảo rằng, làng đã “hồi sinh”. Mà đúng như thế thật, nghề lưới bạc vốn là nghề truyền thống của ngư dân trong làng. Để thay đổi tập quán sản xuất cũ của làng nghề, địa phương đã đầu tư máy đính chì cho ngư dân. “Máy kẹp chì vừa đẹp vừa bền. Nụ cười Ngư Mỹ Thạnh có từ đó”, ông Bảo vừa nói vừa chỉ tay ra những cụm công trình đê bao, cầu dẫn ra bến thuyền, bãi đẻ cá tôm vừa mới được UBND huyện Quảng Điền đầu tư xây dựng.

Nghề cắn chì nay đã quá vãng trong tâm thức người dân làng chài. 100% cư dân trong làng làm nghề ngư, đa số đã chuyển qua làm lưới màng, đặt lừ, đặt chuôm, sáo, trộ đánh bắt thủy sản. “Giờ lưới bạc thì bán đầy ở thành phố, 1 vàng có 4 tay giá 700 nghìn đồng, ngư dân mình chỉ mua về gia công thêm thôi. Bà con chuyển qua làm lừ, mắt lưới theo hướng dẫn của xã, mỗi cái 400 nghìn đồng. Ở đây, mỗi nhà vừa đánh cá, lúc ngư nhàn thì làm lưới bán cho người dân làng bên, thu nhập cũng được vài trăm nghìn đồng/ngày”, bà Lê Thị Lài ở Ngư Mỹ Thạnh cho biết.

Vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu là một phần của hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, nơi có tính đa dạng sinh học rất cao với hơn 900 loài động thực vật; là vùng giao lưu hai nguồn nước tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động thực vật. Đây cũng là nơi sinh sản của phần lớn các loài thuỷ sản có trong vùng đầm phá, và là một trong những điểm dừng chân của các loài chim di trú theo mùa. Theo thống kê, hàng năm, có khoảng 57 loài chim trú đậu (trong đó 22 loài được ghi trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng châu Âu).

Làng Ngư Mỹ Thạnh nay đã trở thành một làng chài với hoạt động đánh bắt sôi động nhất vùng cửa sông. Ông Phan Đăng Bảo cho biết, từ năm 2011, địa phương đã có đề án đề xuất sắp xếp lại nò sáo trên đầm phá, giao quyền cho các chi hội nghề cá quản lý với những quy định nghiêm ngặt về mắt lưới, vùng đánh bắt. Cùng với hoạt động thả, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vùng nước phá Tam Giang qua làng đã sinh sôi nghề cá. Mới đây, được sự hỗ trợ đầu tư từ dự án SODI (kinh phí 71 triệu đồng), Quảng Lợi đã xây dựng hệ thống trà rạo (một loại chuôm bằng đá), đặt tại vùng Ngư Mỹ Thạnh, là nơi làm bãi đẻ sinh sôi cho các loài thủy sản.

Ông Bảo chỉ tay về hướng các trộ nò sáo, bảo rằng: “Mỗi trộ chuôm tiền triệu đối với vùng Ngư Mỹ Thạnh không phải là hiếm!”. Tùy con nước trên đầm phá mà ngư dân chọn cách đặt chuôm khác nhau. Chuôm được đặt bằng tre, cặm xuống lớp đất bùn, cá sẽ tự tìm tới ở. Một năm dỡ hai đợt. “Mỗi trộ chuôm với các loại cá nâu, hanh, dìa, ngư dân trúng thì kiếm được chục triệu, còn năm bảy triệu là chuyện thường. Riêng tiền thuê 5 người dỡ chuôm từ sáng đến chiều đã mất một triệu rồi. Ở đầm phá, chỉ cần siêng thì cái ăn, cái mặc đầy đủ”, ngư dân Phạm Thị Xoan, nói chắc nịch.

Không chỉ là hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, Ngư Mỹ Thạnh vài năm trở lại đây còn biết đến với tour du lịch trải nghiệm đầm phá giao cho chi hội nghề cá quản lý với các hoạt động đi thuyền, đánh bắt thủy sản… do một tổ du lịch gồm các chị em phụ nữ trong thôn đảm nhận. “Lượng khách chủ yếu từ các tour lữ hành của các công ty ở thành phố đưa về chưa nhiều, chỉ 400-500 khách/năm. Tuy nhiên, đó vừa là nguồn thu nhập của nhiều chị em, cũng vừa góp phần quảng bá cho du lịch miền cửa sông như Ngư Mỹ Thạnh”, ông Phan Đăng Bảo chia sẻ.

Bài, ảnh:   HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn

Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng lên. Điều này kéo theo những vấn đề lo ngại về bệnh tật, nguồn thức ăn cho thủy sản, môi trường nước và các chi phí khác... Việc nghiên cứu thành công sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới và những lợi ích kinh tế, xã hội đi kèm.

Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2022; khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn “Bắt bị can để tạm giam”, “khám xét” đối với 5 đối tượng về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế
FAO: Cần tăng cường vai trò của thủy sản trong việc chấm dứt đói nghèo

Trong một cuộc họp gần đây ở Italy, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra một báo cáo quan trọng về nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, trong đó, nhấn mạnh nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào Chuyển đổi Xanh để thực phẩm thủy sản có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc chấm dứt tình trạng đói nghèo toàn cầu.

FAO Cần tăng cường vai trò của thủy sản trong việc chấm dứt đói nghèo
Return to top