Các điểm giao dịch xe lưu động giúp người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng
Nông dân “mê” chuyển khoản
Tổng số lượng giao dịch qua kênh điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 113.155 tỷ đồng trong năm 2021. Trong đó, qua kênh Mobile Banking đạt 59.877 tỷ đồng, tăng 149%; qua kênh Internet Banking đạt 53.278 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2020 là những con số tăng trưởng ấn tượng trong giao dịch qua hệ thống ngân hàng điện tử thời gian qua. Tuy nhiên, điều thú vị hơn chính là những giao dịch này không chỉ nằm gói gọn trong đối tượng cư dân thành thị, người trẻ mà người dân vùng sâu vùng xa, người lớn tuổi chưa quen về công nghệ cũng đã hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
“O coi chuyển khoản tiền về để anh mua điều hòa cho mệ nghe” - Đầu dây bên kia vừa nói câu ấy, tôi, người cầm máy có chút thảng thốt. Cảm giác thảng thốt ấy không phải vì tài khoản sắp bị trừ mất chục triệu mà vì câu “chuyển khoản” lại xuất phát từ một anh nông dân “ròn”, sử dụng điện thoại thông minh còn chưa “sõi”.
Và cảm xúc ấy được “bồi” thêm chút ít khi trong chuyến đi cơ sở vùng cao A Lưới, chứng kiến bác tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nhắc vợ: “Bà lên app chuyển cho ông Nhơn 10 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi mua bữa trước nghe, ông mới nhắc tôi chuyển để ông đi lấy hàng đó”. Chừng đó thôi cũng đủ thấy cuộc sống thật tiện lợi khi không phải cầm tiền mặt.
Sau câu nói của chồng, người vợ lấy điện thoại mở app Agribank chuyển tiền cho người được gọi là ông Nhơn nọ. “Hồi đầu nghe nói xài app ngân hàng qua điện thoại, tôi ngại lắm vì sợ chuyển lộn, mất tiền, chưa kể tiền bỏ trong túi vẫn cảm giác an toàn hơn. Vậy mà xài app hơn năm nay tôi thấy quá tiện lợi, chưa nói việc tiết kiệm cũng đơn giản hơn rất nhiều”, bà vợ chia sẻ.
Không thể phủ nhận việc đầu tư phát triển ngân hàng điện tử đã rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thậm chí là vùng sâu vùng xa. Ngẫm lại câu nói của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Phạm Bá Nam là có cơ sở. “Ngành ngân hàng không “bỏ quên” khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Và quả đúng vậy khi hiện nay, các ngân hàng thương mại đã và đang đẩy mạnh phát triển hệ thống phòng giao dịch về tuyến huyện, xã. Không những vậy, việc phát triển các ví điện tử, ví mobile, ngân hàng điện tử cũng rút ngắn khoảng cách giữa người dân vùng sâu, vùng xa với việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Nối dài những cánh tay
Ông Phạm Bá Nam lý giải, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của mình, NHNN tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, POS, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng về khu vực này. Hiện nay, trên địa bàn tất cả các huyện đều có mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, máy ATM... của nhiều ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt…
Có thể lấy Agribank làm ví dụ, khi hiện nay Agribank không chỉ dừng lại ở những phòng giao dịch cố định với mạng lưới 1 chi nhánh loại 1, 11 chi nhánh loại 2 trực thuộc chi nhánh loại 1, 15 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại 2 mà ngân hàng này còn phát triển thêm 27 điểm giao dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, hệ thống các điểm giao dịch bằng xe lưu động định kỳ hàng tháng cũng được đều đặn lăn bánh đến các xã không có phòng giao dịch ngân hàng. Chưa nói, các hình thức cho vay vốn qua các tổ, đưa các máy ATM, CDM về các xã xa trung tâm không có phòng giao dịch.
Hay câu chuyện phủ sóng điểm giao dịch xã trên toàn bộ 141 xã, phường, thị trấn và 2.340 tổ tiết kiệm vay vốn làm cánh tay nối dài đưa dòng vốn tín dụng chính sách về với nông thôn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Cùng với phát triển mạng lưới, ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù và cho vay để phát triển bền vững nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực, như cho vay đóng tàu phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình tín dụng như: cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội...
Số liệu từ NHNN tỉnh phần nào khẳng định điều này khi đến cuối tháng 6/2022, địa bàn có 23/28 chi nhánh ngân hàng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 13.040 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,5% tổng dư nợ tín dụng, tăng 8,97% so với đầu năm. Riêng tín dụng chính sách, trong 6 tháng đầu đã cho vay với tổng dư nợ đạt 3.583 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Giám đốc NHNN tỉnh cũng thừa nhận, việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến người dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để đưa dòng vốn tín dụng về với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, NHNN tỉnh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo cụ thể. Chỉ đạo các TCTD ưu tiên tập trung nguồn vốn để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng thuộc khu vực nông thôn. NHNN Việt Nam cũng quy định trần lãi suất cho vay ưu tiên ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất sản xuất, kinh doanh thông thường khác (hiện ở mức 4,5%/năm). Khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, POS, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đại lý ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng chưa có hoặc có ít dịch vụ ngân hàng, mật độ còn thấp
Cùng với đó, phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động. Hiện nay, NHNN Việt Nam đã cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money cho một số đơn vị, qua đó trong thời gian tới sẽ đem lại nhiều tiện ích cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Bài, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên