|
Các cấp HND Hương Trà hỗ trợ nông dân về cây, con giống |
Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao
Ông Nguyễn Bá Lộc ở thôn Quang Lộc, xã Hương Bình (Hương Trà) được biết đến là một trong số những hộ nông dân dám vượt lên khó khăn, tiên phong trong việc cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả đặc sản.
Được sự hỗ trợ của các cấp HND, ông Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi trồng 5ha cây ăn quả đặc sản, gồm cam Xã Đoài, quýt Thanh Bình, thanh trà, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Đây là hướng sản xuất mất nhiều công sức, nhân lực và chí phí cao hơn, nhưng bù lại giá cả và đầu ra của sản phẩm ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo ông Lộc, riêng diện tích đang cho thu hoạch từ mô hình trồng cây ăn quả đặc sản của ông, mỗi năm sản lượng khoảng 30 - 35 tấn, đem lại nguồn thu hơn 600 đến 700 triệu đồng.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đến nay nhiều hộ nông dân ở Hương Trà đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, kinh doanh thương mại và dịch vụ. Bà con nông dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, gắn với phát triển các ngành nghề. Trên địa bàn đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn giỏi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Nhiều hộ nông dân có thu nhập cao đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, như ông Lê Quang với mô hình trồng mai Huế ở Hương Vân; ông Trần Mậu Luật sản xuất dầu tràm ở Hương Văn; ông Trương Xưng kinh doanh dịch vụ xay xát gạo ở Tứ Hạ; ông Nguyễn Văn Phước chăn nuôi và kinh doanh thức ăn gia súc ở xã Hương Toàn; ông Lê Viết Lộc trồng rừng kinh tế và kinh doanh gỗ rừng ở xã Bình Tiến...
Giúp nhau làm giàu
Chủ tịch HND TX.Hương Trà, bà Lê Anh Học cho biết: Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, thì công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) và vận động hỗ trợ hội viên nghèo về vốn vay, cây, con giống luôn được các cấp hội đặc biệt quan tâm. Những tháng đầu năm nay, các cấp HND Hương Trà đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho hơn 1.200 lượt hội viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc mai vàng, kỹ thuật trồng sen, trồng kiệu, trồng và chăm sóc bưởi, thanh trà…
HND thị xã cũng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, hướng đến làm giàu chính đáng. Đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã đạt gần 129 tỷ đồng/3.008 hộ nông dân vay. Riêng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) của Trung ương, tỉnh và thị xã được hội viên nông dân TX. Hương Trà đang vay hiện nay là 4,7 tỷ đồng/111 hộ vay.
Qua thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình và gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, biết phát huy lợi thế của địa phương để khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, các nguồn vốn vay từ ngân hàng và Quỹ HTND để phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả, thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ, đến nay, các cấp HND thị xã đã thành lập được 10 tổ hợp tác với gần 100 thành viên, 4 chi hội nghề nghiệp với 81 thành viên, 29 tổ hội nghề nghiệp với 356 thành viên. Trong đó, có nhiều nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các chủ gia trại có doanh thu cao. Các tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp duy trì sinh hoạt đã giúp hằng trăm hội viên tham gia trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với những tiến bộ KHKT mới, cách làm hay trong sản xuất; liên kết hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững ở địa phương.
Theo bà Lê Anh Học, hiện trên địa bàn thị xã có 20 hội viên nghèo/277 hộ nghèo toàn thị xã. Các cấp HND thị xã sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp nhằm huy động các nguồn lực giúp hội viên là hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Thông qua nguồn vốn vay các ngân hàng và Quỹ HTND để xây dựng các mô hình nông dân cùng sở thích, giúp nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, kết nối thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh các phong trào thi đua của hội, trong đó lấy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững làm trọng tâm trong hoạt động của hội...