Cuối tháng 12, tòa án Đức tuyên bố Apple đã sử dụng trái phép sáng chế của Qualcomm, liên quan tới tính năng giúp điện thoại di động tiết kiệm năng lượng khi gửi và nhận tín hiệu không dây.
Apple khẳng định sẽ kháng cáo và nếu được xác định không vi phạm, Qualcomm sẽ phải bồi thường thiệt hại do lệnh cấm gây ra cho Apple. Do đó, toà án yêu cầu hãng sản xuất chip nộp khoản tiền thế chấp 1,52 tỷ USD thì lệnh cấm mới bắt đầu có hiệu lực.
Ngày 3/1, Qualcomm đã "chồng" đủ số tiền và ngay sau đó, Apple đã rút iPhone 7, 7 Plus, 8 và 8 Plus khỏi các cửa hàng bán lẻ cũng như trên website tại Đức. Tuy nhiên, các mẫu iPhone vẫn đang được bán thông qua hệ thống của Amazon và các đại lý uỷ quyền như Gravis.
Website của Apple tại Đức không còn bán iPhone 7 và 8.
Trong khi đó, tòa án Phúc Châu (Trung Quốc) cũng đã đưa ra phán quyết tương tự vào ngày 10/12 nhưng Apple không thực hiện. Đáp lại, họ tung ra iOS 12.1.2 và tin rằng bản cập nhật này sẽ loại bỏ hai tính năng liên quan đến bằng sáng chế của vụ kiện.
Apple đang chuẩn bị hồ sơ để tiến hành kháng án và nhiều nhà phân tích dự đoán cuối cùng Apple sẽ lật ngược được tình thế. Nếu họ thành công, số tiền cọc 1,52 tỷ USD của Qualcomm sẽ được dùng để trả cho những thiệt hại của Apple trong suốt thời gian cấm bán. Và như thế, cuộc chiến giữa hai bên giờ mới thực sự bắt đầu.
Apple vừa trải qua những ngày đầu năm không mấy vui vẻ. Trong thư gửi tới các nhà đầu tư tuần này, CEO Tim Cook cho biết doanh thu của hãng có thể không đạt được như mong đợi và thừa nhận lý do lớn nhất là vì người tiêu dùng đã không mua iPhone nhiều như kỳ vọng.
"Doanh thu từ iPhone thấp hơn dự đoán, chủ yếu do sức mua ở thị trường Trung Quốc", Cook viết. "Từ lâu, iPhone vẫn là mặt hàng kinh doanh cốt lõi của Apple và khi không bán đủ số lượng, cả công ty phải vật lộn với sự sụt giảm".
Theo vnexpress.net