Tuyên truyền, ký cam kết với những hộ sản xuất kinh doanh, người lao động là một trong những giải pháp chấn chỉnh môi trường tại cảng cá
Khắc phục ô nhiễm
Bình quân mỗi ngày, cảng cá Thuận An tiếp nhận khoảng 30 tàu cá cập cảng giao dịch thủy sản và tiếp tế dịch vụ hậu cần... Lượng rác thải, phế phẩm thủy sản, chất thải từ các đội tàu cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh của 58 hộ thuê mặt bằng tại cảng cá thải ra mỗi ngày tương đối lớn.
Do không được thu gom xử lý đảm bảo, suốt một thời gian dài, môi trường khu vực cảng cá Thuận An ô nhiễm do rác, dầu mỡ thải, nước thải.
Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc BQL Cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến nhắc nhở, phản ánh, đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, ngư dân, chủ các tàu thuyền, người lao động trong cảng không xả rác thải xuống mặt nước và giữ gìn môi trường chung. Trước mắt, BQL đã triển khai 12 cơ sở kinh doanh trong cảng cá thực hiện cam kết bảo vệ môi trường (BVMT), tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT.
BQL đã bố trí 2 nhân viên vệ sinh thường xuyên thu gom rác thải rắn sinh hoạt, rác thải nguy hại đến bãi tập kết rác của cảng cá. Quanh khu vực cảng được bố trí 8 thùng đựng rác; 1 kho chứa rác thải nguy hại và 3 thùng đựng rác thải nguy hại để phục vụ thuận tiện cho các tàu thuyền cập cảng, cơ sở dịch vụ tại chỗ trong việc thải các loại rác nguy hại như dầu mỡ, bóng đèn...
Rác thải được hợp đồng với Công ty TNHH Hằng Trung vận chuyển xử lý, nên không còn tồn đọng rác ở bãi tập kết như trước. Hệ thống cống thoát và hầm xử lý lắng lọc được nạo vét, khơi thông, đảm bảo hoạt động đạt hiệu quả. Hằng ngày, quanh khu vực cảng được phun khử cloramine-B để giảm thiểu mùi hôi và khử trùng môi trường.
Nhằm tránh các phương tiện vận chuyển thủy sản xả nước thải trực tiếp ra môi trường, BQL lắp đặt hệ thống các ống thu gom nước thải từ các phương tiện để đưa vào hệ thống xử lý chung.
Duy trì hoạt động xử lý
Về cảm quan, tình trạng ô nhiễm tại cảng cá Thuận An đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, theo đại diện cảng cá Thuận An, hằng ngày, lượng bao bì nilon từ đầm phá và các khu vực lân cận theo thủy triều trôi dạt vào cầu cảng, cộng thêm việc mở rộng cầu cảng giai đoạn 2 chưa hoàn thành, tạo bồi lắng, hình thành bãi rác nhân tạo gần khu vực cầu cảng. Dù BQL thường xuyên trục vớt nhưng do rác lẫn vào bùn lầy nên rất khó xử lý triệt để.
Qua kiểm tra thực tế cảng cá Thuận An ngày 26/7/2018, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phú Vang ghi nhận, các công trình xử lý nước thải đã được xây dựng trước đây hiện đang được sửa chữa, nâng cấp. Sau khi yêu cầu khắc phục, BQL đã hợp đồng nạo vét hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm khơi thông, xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra lưu ý, một số khu vực tại các cơ sở kinh doanh cần cam kết không xả chảy tràn ra bên ngoài, bố trí đường gom và xây dựng hệ thống xử lý nội bộ trước khi xả vào hệ thống chung của cảng cá.
Theo ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Vang, chỉ cần BQL Cảng cá Thuận An quyết tâm chấn chỉnh, duy trì thường xuyên công tác vệ sinh; đồng thời giám sát, nhắc nhở và ký cam kết chấp hành nghiêm túc BVMT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nậu, chủ tàu thuyền và người lao động, thì chắc chắn tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá sẽ được khắc phục tốt hơn.
Bài, ảnh: Hoài Thương