Đoạn sông Phổ Lợi qua xã Phú Dương đặc kín bèo
Ông Châu Văn Hoá, Trưởng thôn An Lai, xã Hương Phong (TX. Hương Trà) trò chuyện, tưởng vô hại, nhưng bèo tây đang là vấn nạn của địa phương. Nhất là khi vụ lúa hè thu sắp đến kỳ thu hoạch, nếu thôn không huy động lực lượng nông dân, thanh niên... ra quân vớt bèo dọc hói kênh đào An Lai thì rất khó cho ghe, thuyền vận chuyển lúa từ đồng ruộng vào bờ.
Hói An Lai dài 1,2km, bình quân bèo phủ mặt nước rộng khoảng 10m, nên lượng bèo cần trục vớt trên cả chục nghìn m2. Mỗi năm, thôn phải huy động "không công" nông dân, thanh niên, người cao tuổi ra quân vớt 2-3 đợt để tạo thuận lợi cho ghe, xuồng đi lại.
Tương tự, thôn Vân Quật Đông (xã Hương Phong) có hói Ca Cút cũng dày đặc bèo. Ngoài kinh phí xã hỗ trợ, chính quyền thôn phải kêu gọi đóng góp công lao động "miễn phí" để vớt bèo, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất.
Ngược lên tuyến QL49 qua địa bàn huyện Phú Vang, ngay dưới chân cầu Diên Trường và chạy dọc đoạn sông Phổ Lợi lên phía thượng nguồn, qua các xã Phú Dương, Phú Thượng, đâu đâu cũng kín bèo.
Không chỉ bèo tây, các loại rác thải là thùng xốp, túi nilon... do không được thu vớt đang làm tắc nghẽn dòng chảy, gây mùi hôi, ruồi muỗi phát sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và dễ hư hỏng cầu cống.
Mùa này, đứng trên cầu Phú Thứ, Trường Hà (Phú Vang), Hoà Xuân (Điền Lộc, Phong Điền), Kim Đôi (Quảng Điền), đâu đâu cũng có bèo tây hiện diện, phủ kín mặt sông, đầm phá.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản, sự "bành trướng" của bèo tây đang gián tiếp làm giảm nguồn thu nhập của nhiều ngư dân sống nhờ vào nghề đánh bắt tôm, cá. Chị Võ Thị Phước, ở xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) cùng chồng chuyên đánh bắt cá trên sông Đại Giang cho hay, nhiều đoạn gần như "tê liệt" do bèo phủ kín mặt sông. Muốn chèo thuyền, giăng lưới bắt cá, vợ chồng chị phải tốn công xua đẩy bèo cản đường. Vì quá nhiều bèo, nên tôm, cá cũng ít đi nhiều so với trước kia.
Từ nhiều năm nay, việc trục vớt bèo trở thành hoạt động thường kỳ của nhiều địa phương. Có những nơi, hằng năm phải chi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để diệt bèo tây. Nguồn kinh phí này được tỉnh lập kinh phí theo diện tích sông, hồ có bèo và giao cụ thể cho các địa phương xử lý. Tuy nhiên, cứ đến hẹn phải ra quân, không thể tiêu diệt triệt để, nên để tiết kiệm, đem lại hiệu quả cao, ngoài ngân sách cấp, các địa phương từ cấp tổ, thôn, khu vực nơi có bèo tây hiện diện cần chủ động và thường xuyên huy động lực lượng, đoàn thể cùng phương tiện, dụng cụ tham gia góp sức vớt bèo ngay từ đầu chu kỳ sinh trưởng.
Đây là loài sống dai, phát tán nhanh, nên các địa phương cần phối hợp, thống nhất vớt bèo đồng loạt trên tuyến sông chảy qua địa phận mình, kết hợp giải pháp khơi thông dòng chảy, tận dụng lượng bèo vớt được để chế biến thức ăn chăn nuôi, dùng làm phân vi sinh bón cho cây trồng.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên