ClockThứ Sáu, 09/10/2020 15:22

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Kết hợp cả hai yếu tố công nghệ và con người

TTH.VN - Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp cơ hội và thách thức” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức ngày 9/10.

Xây dựng hình ảnh taxi văn minh thân thiệnRa mắt cụm doanh nghiệp an toàn, hỗ trợ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộDoanh nghiệp giúp nhau phòng cháy, chữa cháy

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm việc ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh (SXKD) thành công. Trong đó, doanh nhân Albert Antoine, chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ đã chia sẻ và giải đáp một số thắc mắc giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số cũng như kinh nghiệm chuyển đổi số doanh nghiệp.

Khó khăn nhiều

Khái niệm chuyển đổi số ra đời trong thời đại bùng nổ internet, mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty CP xăng dầu DKC Huế chia sẻ một số khó khăn của DN 

Vai trò quan trọng của chuyển đổi số đã được xác định, nhưng chuyển đổi số thế nào, doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu là câu hỏi khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đau đầu.

Theo ông Phạm Văn Được, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nếu hiểu chuyển đổi số đơn giản là giải pháp đưa các quy trình truyền thống (bắt buộc có sự tham gia của con người hoặc giấy tờ) thành các quy trình tự động không cần hoặc tối giản sự tham gia của con người và giấy tờ thì doanh nghiệp trong tỉnh đa phần đều đã bắt đầu chuyển đổi theo hướng đó. Trong đó, các doanh nghiệp đi tiên phong trong chuyển đối số phải kể đến các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp ngành dệt may, doanh nghiệp bưu chính viễn thông và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Phần lớn các doanh nghiệp đều có xu hướng đầu tư nâng cấp phần mềm và phần cứng công nghệ thông tin để làm hài lòng khách hàng và phục vụ quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tìm một mô hình doanh nghiệp chuyển đổi số hoàn hảo, ứng dụng quản trị thông minh thành công trong kinh doanh thì chưa nhiều đơn vị làm được.

Nói như ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức, chuyển đổi số là một quá trình, nhanh hay chậm, thành công hay thất bại tùy thuộc vào quyết tâm của tất cả mọi người tham gia và tiên quyết là vai trò của người lãnh đạo. Để chuyển đổi số, cần lãnh đạo có khát vọng, quyết tâm thay đổi và tài chính. Hiện doanh nghiệp Huế đã và đang sẵn sàng thay đổi với quyết tâm rất cao, bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, điều hành. Tuy nhiên thực tế, các giải pháp công nghệ rất manh mún, thiếu tính liên kết, để đồng bộ các phần mềm từ quản lý đến vận hành cần chi phí rất cao, tạo nên gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty CP xăng dầu DKC Huế cũng có cùng quan điểm, doanh nghiệp rất muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, giảm bớt các chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, song doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Phần lớn doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nghe trên khái niệm chứ chưa hiểu về chuyển đổi số, kinh tế số. Do gặp khó khăn ngay từ ban đầu, cộng thêm khả năng nắm vững công nghệ mới còn bỏ ngỏ nên doanh nghiệp không dám mạnh tay đầu tư cho chuyển đổi số.

Công nghệ thôi chưa đủ

Các doanh nghiệp tham dự hội thảo đều cho rằng, tỉnh, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số.

Xi măng Đồng Lâm là một trong những đơn vị ứng dụng mạnh mẽ CNTT

Như đề xuất của ông Trần Minh Đức, tỉnh đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu được, tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp chuyển đổi số, nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp một số phần mềm ứng dụng có hiệu quả như một số nước đã triển khai.

Ngoài ra, để đẩy mạnh chuyển đổi số, vai trò của các sở, ngành, hiệp hội… cũng rất quan trọng.

Ông Phạm Văn Được thông tin, thời gian qua, Hiệp hội có một số hoạt động phối hợp với VCCI, Facebook Việt Nam triển khai tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng bán hàng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp qua mạng xã hội và bước đầu giúp doanh nghiệp hội viên thu được nhiều kết quả. Hiệp hội cũng đã phối hợp với Sở KH&CN và Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Bộ KH&CN tổ chức các hội thảo, các diễn đàn về cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, quyết tâm bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Từ góc độ chuyên gia ông Albert Antoine cho rằng, doanh nghiệp đã nói quá nhiều về trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật..., đã đến lúc phải tay vào làm. Không nên suy nghĩ doanh nghiệp lớn mới đổi mới công nghệ mà doanh nghiệp nhỏ cũng cần phát huy được lợi thế, khẳng định khả năng thích ứng nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay bằng cách chuyển đổi số.

“Muốn chuyển đổi số thành công doanh nghiệp phải kết hợp cả hai yếu tố công nghệ và con người. Nếu chỉ tập trung vào một trong hai thì hiệu quả mang lại sẽ không đáng kể. Cần nhớ, công nghệ cũng chỉ là một loại công cụ. Và không có một công cụ thần thánh nào có thể cứu sống doanh nghiệp khi mà bản thân những người sử dụng nó không có tư duy thay đổi. Nói đúng hơn, sự thành công của chuyển đổi số sẽ được quyết định ngay trong tư duy và tầm nhìn từ các cấp lãnh đạo lan tỏa đến các cấp nhân viên”, ông Albert Antoine khẳng định.

Doãn Quan

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top