ClockChủ Nhật, 11/09/2022 15:39

Chuyển đổi số, hướng đi bền vững cho doanh nghiệp

TTH - TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định như vậy với Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi nói về công tác chuyển đổi số (CĐS) trong cộng đồng DN. Ông Dương Tuấn Anh cho biết:

Tiên phong chuyển đổi số“Quán quân”, “Á quân” gọi tên Thừa Thiên Huế

 Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định là một địa phương đủ tầm và lực để trở thành một tỉnh phát triển mạnh về công nghệ thông tin (CNTT) trong cả nước. Thừa Thiên Huế được xem là điểm sáng trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử. Mới đây, kế hoạch Chương trình CĐS với phương châm “4 không, 1 có” được UBND tỉnh thông qua chính là những nền tảng cơ bản để thực hiện CĐS nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN.

Thưa ông, quá trình CĐS trong cộng đồng DN được thực hiện như thế nào?

CĐS trong DN được hiểu là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số (CNS) để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN và tạo ra các giá trị mới”. Các hoạt động CĐS bao gồm: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của DN; áp dụng CNS để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất, kinh doanh (SXKD), quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong DN; chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN.

Lợi ích của CĐS với DN là mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất SXKD; ra quyết định nhanh chóng, chính xác cho hoạt động SXKD của DN.

Ông có thể chia sẻ về công tác CĐS của cộng đồng DN ở Thừa Thiên Huế? Những kết quả nổi bật là gì?

Nhiều DN ở Thừa Thiên Huế đến nay đã thực hiện CĐS và mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nguồn nhân công, xúc tiến đầu tư, giao thương. Có thể kể đến: Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Công ty Dệt may Scavi Huế, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế, VNPT Thừa Thiên Huế... Nhiều DN Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực đang bước vào quá trình CĐS ở các cấp độ khác nhau, mặc dù khái niệm này còn mới mẻ. Chính phủ và chính quyền tỉnh đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các DN thực hiện CĐS, nhất là đối với các ngành nghề dịch vụ, y tế, giao thông vận tải, du lịch… nhưng vẫn chưa tạo được những bước tiến vượt bậc như mong đợi.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đi đầu trong chuyển đổi số

Về cơ bản, các DN đều có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, CĐS trong SXKD. Một số ngành nghề đang có những bước CĐS rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến có mức độ sẵn sàng CĐS còn thấp do chưa nhận thức và tìm ra sự gắn kết giữa lợi ích của việc CĐS với mục tiêu kinh doanh.

Hơn 90% các DN ở Thừa Thiên Huế vẫn đang được chèo lái một cách “bấp bênh”, chậm chạp. Chưa kể đến còn có những DN với quy mô nhỏ và siêu nhỏ còn đang rất mơ hồ về khái niệm “CĐS”. Các DN nói chung, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, hiện tại DN vừa và nhỏ của Thừa Thiên Huế chiếm khoảng 97% tổng số DN, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% - 90% máy móc sử dụng trong các DN là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1990.

Các DN vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như: thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN (15,7%),... Tuy vậy, các DN nhỏ và vừa cũng đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây, an ninh mạng, nâng cấp phần mềm, phần cứng để CĐS.

Để DN mạnh dạn thực hiện CĐS thì chính quyền tỉnh cần hỗ trợ những gì và tự thân mỗi DN cần phải làm gì?

Đại dịch COVID-19 đã tác động và để lại những hệ lụy nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, xúc tiến thương mại và giao thương hàng hóa của các DN. Tuy nhiên, ở một mặt khác, đại dịch cũng tạo ra những cơ hội cho một nền “kinh tế mới”, nhiều DN hoạt động theo phương thức truyền thống nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu, nhiều DN cũng biến đó thành cơ hội làm động lực thúc đẩy bước sâu vào cuộc chơi số, chuyển đổi công nghệ để thích nghi với bối cảnh phát triển mới. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh đã giúp nhiều DN có sự kết nối tốt hơn, phục hồi sản xuất và mở rộng thị trường.

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của CĐS đối với DN, đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của DN được nâng cao.

Theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường, tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp DN cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng mà các DN thực hiện CĐS hướng đến, bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; tăng năng suất của nhân viên; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Hiệp hội kỳ vọng gì vào công tác CĐS của cộng đồng DN thời gian tới - thưa ông?

Hiện tại DN đang đối mặt với thách thức hội nhập, hoạt động SXKD đòi hỏi phải số hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng. CĐS là giải pháp quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả DN và là cơ hội cho DN nhỏ và vừa có thể phát triển nhanh hơn, nếu có thể xác định được những lợi ích, chi phí đầu tư và tìm hiểu cách CĐS bắt đầu từ đâu.

CĐS không chỉ nằm ở những công nghệ DN sử dụng để chuyển đổi, mà còn là cách thức và lý do tại sao họ phải chuyển đổi. Tuy công nghệ là cần thiết cho quá trình thay đổi này nhưng để thành công, công nghệ cần kết nối với con người. Nói cách khác, con người là yếu tố quyết định đến việc CĐS có thực sự thành công hay không.

DN muốn “vượt bão” phải CĐS nhanh nhưng cũng phải chính xác. Mỗi đơn vị cần tính toán, nghiên cứu và tìm ra những giải pháp bền vững, phù hợp với năng lực công ty và phải đảm bảo có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài, không nên sử dụng những giải pháp công nghệ tạm thời.

Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh với sự đồng hành của các hiệp hội và các DN cung cấp giải pháp công nghệ số, của các đơn vị thông tin truyền thông và của tất cả cộng đồng DN, hy vọng, mục tiêu CĐS trong DN sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy DN nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn, thách thức và nắm bắt những cơ hội thị trường mới để phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, giải thể doanh nghiệp (DN) đã trở thành một lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều chủ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc không nắm các quy định pháp luật về giải thể DN, nhất là tuân thủ các nghĩa vụ thuế liên quan khiến thời gian thực hiện thủ tục giải thể DN kéo dài.

Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top