ClockChủ Nhật, 04/09/2022 07:35

Tiên phong chuyển đổi số

TTH - Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) ngành ngân hàng (NH) được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm, với các mục tiêu cụ thể. Đến năm 2025, khoảng 50% các nghiệp vụ nh được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng được số hóa, tự động hóa...

Số hóa ngân hàngĐột phá ngân hàng số với eKYCChuyển đổi số ngành ngân hàng: Công nghệ sẽ tạo đột phá

Thanh toán trực tuyến qua HDbank

Ngành đầu tiên có Ngày chuyển đổi số

Tại sự kiện CĐS ngành NH tổ chức ở Hà Nội đầu tháng 8 vừa qua, sau khi chọn ngày 11/5 là Ngày CĐS của ngành NH, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS nhấn mạnh: Ngành NH hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình CĐS, chuyển đổi hướng dùng công nghệ thông tin (CNTT) sang CĐS là sự chuyển đổi mang tính cách mạng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thừa Thiên Huế - Châu Khắc Thái thông tin: 100% NH trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng chiến lược CĐS. Hầu hết NH đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và CNTT. Không chờ đến khi NHNN ban hành kế hoạch CĐS năm 2022 mà thực tế những năm qua, các NH đã nhập cuộc khá nhanh trong việc thực thi các ứng dụng, dịch vụ để thực hiện việc CĐS phục vụ khách hàng.

Hai năm đại dịch vừa qua đã chứng minh, CĐS cực kỳ phát huy tác dụng, nhất là đối với ngành NH giữ vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế. Phần lớn các NH đều đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số: thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử, chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến; số hóa các hoạt động nghiệp vụ, áp dụng chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ... Đồng thời, kết hợp với các công nghệ thiết bị di động, kết nối dữ liệu mở theo giao diện chương trình ứng dụng, phân tích dữ liệu, chuẩn hóa tin điện theo chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 2022, công nghệ hỗ trợ khách hàng...

Vietcombank là một trong những nhà băng đầu tiên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (Trung tâm RAR) - Bộ Công an triển khai thành công ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong các giao dịch NH tại khu vực tự phục vụ (ATM) cũng như giao dịch tại quầy. Thời gian hệ thống xác thực thông tin khách hàng bằng CCCD gắn chip chỉ mất từ 5-8 giây, chưa đến 2 phút là khách hàng có thể thực hiện xong giao dịch rút tiền. Tính năng rút tiền bằng CCCD gắn chip được tự động tích hợp khi khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ, khách hàng không cần đăng ký sử dụng dịch vụ này với NH. Vietcombank đồng thời triển khai ứng dụng CCCD gắn chip trong định danh khách hàng khi tới giao dịch tại quầy.

HDBank CĐS trên tinh thần "Thay đổi là sống còn, số hóa là bắt buộc". HDBank chọn lọc định hướng CĐS phù hợp với chiến lược kinh doanh dài hạn có các đặc điểm khác biệt chính: Tập trung vào các hành trình khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành, thành lập trung tâm CĐS...

Giám đốc HDBank Huế - Nguyễn Việt Anh khẳng định: CĐS là xu thế tất yếu giúp ngành NH mang đến lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế. Nhờ CĐS, cả NH lẫn phía khách hàng đảm bảo sự lưu thông tiền tệ thông suốt trong mọi bối cảnh. Với tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thông minh và ngày càng nhiều người dân được kết nối internet cùng sự hiện diện của CNTT, quá trình CĐS đã và đang phát huy tác dụng.

Cạnh tranh bằng ngân hàng số

Một khảo sát từ NHNN cho thấy, CĐS giúp các NH tiết kiệm hơn 50% chi phí. Một khi đã tiếp cận với CĐS, các NH có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ NH số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói…

Năm 2022, NamAbank tiếp tục gia tăng đầu tư và áp dụng CNTT, tạo những bước tiến mới trong CĐS; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái NH số: Robot OPBA, Open Banking và ONEBANK, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi, 365+, kể cả dịp lễ…

Nhiều NH thương mại cổ phần chủ trương đầu tư mạnh mẽ cho công cuộc CĐS. NCB xác định tiếp tục định hướng đầu tư mạnh cho công nghệ nhằm tạo bước tiến  trong CĐS. Ngân hàng này tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng. Đồng thời, hợp tác chiến lược toàn diện với nhiều tổ chức kinh tế, tập đoàn lớn, bước đầu cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng cho khách hàng trong hệ sinh thái của đối tác.

Theo NHNN Thừa Thiên Huế, 52% các nghiệp vụ NH cho phép NH có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; 43% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 26% NH có tỷ trọng doanh thu từ kênh số; 26% quyết định giải ngân, cho vay của NH thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; 50% hồ sơ công việc tại NH được xử lý và lưu trữ trên môi trường số. Giá trị giao dịch trên kênh internet và mobile banking của các NH năm 2021-2022 tăng hơn 20 lần so với trước thời điểm dịch COVID-19; riêng kênh mobile banking tăng hơn 10 lần. Tiềm năng lớn của kênh NH số đã mở lối cho cuộc đua xu hướng thứ 2 là đầu tư công nghệ và CĐS trong hệ thống NH.

NHNN nhận định: Bên cạnh cuộc đua về xây dựng và định vị thương hiệu các sản phẩm ứng dụng NH số tiêu biểu là VCB Digibank, VPbank NEO, VietinBank iPay, My VIB…, trong ngành NH đang có một cuộc đua ngầm khác là nâng cao năng lực công nghệ để chuẩn bị trước cho sự đe dọa từ các công ty công nghệ tài chính (fintech) và dịch vụ không dùng tiền mặt (mobile money) trong thời gian tới. Techcombank lựa chọn Amazon Web Services làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. VietinBank, ACB, TPbank… triển khai các giải pháp khai thác Big data, trí thông minh nhân tạo (AI), ML vào phân tích dữ liệu khách hàng.

Đến năm 2025, khoảng 1/3 doanh thu NH truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Xu hướng số hóa phổ biến là trên các phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Trong khi, đa số NH được khảo sát đang triển khai NH số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, rất ít NH chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới. Các quy định pháp lý đối với phát triển NH số chậm được ban hành, chủ yếu tập trung cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (chứng thực chữ ký số, xác định danh tính khách hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng…), nên chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi để hệ thống NH thích ứng với bối cảnh số hóa. Đó là những thách thức mà giới NH đã xác định.

Trong đề án CĐS năm 2022, một trong những giải pháp được NHNN đưa ra là triển khai hợp tác giữa NHNN và DN phát triển nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng các nền tảng số, chất lượng cao. Các dịch vụ phần mềm đã được chuẩn hóa sử dụng cho phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) tại các bộ, ngành để xây dựng CPĐT tại NHNN, tạo điều kiện hỗ trợ DN giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số cho ngành NH…

Bài, ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top